"Chậm chân" là mất vị thế
Trong 2 năm trở lại đây, nhiều hãng xe tại Việt Nam đã bắt kịp xu hướng và đi theo “làn sóng” xe điện đang diễn ra trên toàn cầu. Bằng chứng là các thương hiệu từ lớn đến nhỏ đều đưa xe điện vào danh mục sản phẩm của mình.
Việt Nam hiện có VinFast với các sản phẩm xe máy điện, xe buýt điện và ô tô điện với đầy đủ các phân khúc. Bên cạnh thương hiệu xe điện nội địa VinFast, nhiều hãng xe lớn cũng đã giới thiệu xe điện tại Việt Nam. KIA giới thiệu mẫu EV6, Hyundai ra mắt IONIQ 5, Audi trình làng e-tron GT (cả bản SUV và Sedan), Porsche có Taycan điện, Mercedes-Benz mang nguyên giải Mercedes EQS về Việt Nam… Đó là chưa kể sự “xâm lấn” một cách ồ ạt của các hãng xe điện Trung Quốc với những cái tên như BYD, Hongqi, MG, Wuling, Chery… Điều đáng nói là nhìn vào danh sách các mẫu xe điện ra mắt tại Việt Nam nói trên, tuyệt nhiên không có xe điện đến từ Nhật Bản. Mà đó không chỉ là câu chuyện ở riêng Việt Nam. Nó là câu chuyện của xe điện Nhật trên toàn cầu.
Trong thời kỳ xe điện ngày càng phổ biến, Nhật Bản, ông lớn trong ngành sản xuất ô tô, lại không có tên trong danh sách các nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu hiện nay.
Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy không có nhà sản xuất ô tô Nhật Bản nào lọt vào danh sách 20 nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu thế giới, trong đó Tesla dẫn đầu, tiếp theo là BYD của Trung Quốc và Volkswagen của Đức.
Theo một báo cáo hồi năm 2022 của Climate Group, Nhật Bản - nhà xuất khẩu ô tô lớn thứ hai thế giới - có thể mất 50% sản lượng xuất khẩu ô tô, hơn 14% GDP và gần 700 tỉ USD (80 nghìn tỉ yên) lợi nhuận vào năm 2040 nếu không nhanh chóng đón nhận cuộc cách mạng điện đang diễn ra trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Nhật Bản đang có nguy cơ bị “bỏ lại phía sau” trong cuộc chuyển đổi năng lượng của các phương tiện vận tải toàn cầu bởi họ ưu tiên sản xuất ô tô chạy bằng pin nhiên liệu hydro hơn là ô tô điện.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí Barron's, nhà phân tích Gregory Brew của Nhóm Năng lượng, Khí hậu và Nguồn lực tại Eurasia Group (Mỹ) và giáo sư kỹ thuật cơ khí Michael E. Webber của Đại học Texas ở Austin (Mỹ) đánh giá, Nhật Bản có vẻ đã mắc sai lầm chiến lược trong quá trình chuyển đổi năng lượng và điều này đang ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế ô tô của họ. Đây là một vấn đề quan trọng mà các nước cần chú ý trong việc nghiên cứu chính sách công nghiệp của mình.
Xe hybrid có phải là “nước cờ” sai?
Thị trường ô tô Việt Nam, tuy nhỏ, nhưng lại phản ánh khá rõ nét thị trường ô tô thế giới. Nhìn vào đó có thể thấy rằng, thay vì phát triển mạnh mẽ xe điện, các hãng xe Nhật dường như đang lựa chọn xe xăng lai điện (xe hybrid). Toyota hồi đầu tháng mới giới thiệu Innova Cross với một biến thể hybrid. Honda ngay chỉ cách đây 2 hôm đưa Honda CR-V về Việt Nam và nhấn mạnh “cam kết mục tiêu trung hòa carbon cùng Chính phủ Việt Nam” với bản CR-V hybrid.
Nhật Bản thống trị thị trường toàn cầu đối với thế hệ hiện hành của dòng xe thân thiện môi trường - hybrid xăng-điện - và hy vọng tạo đòn bẩy từ khoản đầu tư khổng lồ vào công nghệ theo thời hạn lâu dài nhất có thể. Tuy nhiên, sự tập trung ngắn hạn khiến ngành công nghiệp quan trọng nhất của quốc gia này có thể lỡ mất thời cơ thay đổi, Masato Inoue, nhà thiết kế hàng đầu của mẫu xe điện Nissan Leaf đánh giá.
Người Nhật “kiên trì mục tiêu” với xe hybrid mà quên đi rằng, cuộc đua đến với tương lai xe thuần điện, dẫn đầu bởi Tesla, đang tăng tốc và mở rộng. Ngay từ đầu năm 2021, General Motors (GM) đã trở thành hãng xe lớn đầu tiên tuyên bố có thể từ bỏ mọi ống xả khí thải khỏi những chiếc ô tô họ sản xuất, tính đến hết 2035. Volvo cùng một loạt các tên tuổi lớn khác trong ngành ô tô cũng có tuyên bố tương tự với việc bán toàn xe điện bắt đầu từ năm 2030.
Ngoài các hãng xe truyền thống, các “startup” xe điện của Trung Quốc hay những gã khổng lồ từ những ngành công nghiệp khác như Apple cũng tìm kiếm miếng bánh ở thị trường xe điện đang phát triển.
Ở Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Hàn Quốc, các hãng ô tô đều đã sẵn sàng chạy hết tốc lực để vượt qua các đối thủ từ Nhật Bản. Toyota hiện mới chỉ có kế hoạch về xe điện, trong khi Honda dựa vào GM để sản xuất xe điện cho thị trường Mỹ.
“Cuộc đua” xe điện cũng được khuyến khích ở Trung Quốc, các quốc gia châu Âu và những nơi khác, với những kế hoạch tăng doanh số xe điện hoặc cấm xe dùng xăng trong những năm tới. Các nhà khoa học nói rằng, việc từ bỏ dòng xe động cơ đốt trong là rất khẩn trương trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và giảm khí thải.
Tháng 12/2020, Nhật Bản từng thông báo có thể dừng bán ô tô mới dùng khí đốt tính đến hết 2035. Nhưng chính phủ nước này vẫn coi hybrid là một công nghệ quan trọng và không có ý định làm giống những nơi khác, với những kế hoạch cấm đoán đối với ô tô động cơ đốt trong.
Sự phản đối trước việc loại bỏ động cơ hybrid thể hiện mạnh mẽ nhất từ Akio Toyoda, chủ tịch Toyota - hãng gây ảnh hưởng tới toàn bộ ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản.
Toyota sở hữu Daihatsu và trong vài năm qua đã thành lập đối tác phát triển xe điện, gồm cả xe hybrid, với ba hãng xe nhỏ hơn là Subaru, Suzuki và Mazda, tạo thành một nhóm sản xuất ra hơn một nửa của tổng số xe Nhật. Toyota cũng quảng bá mạnh mẽ dòng xe dùng khí hydro - một công nghệ còn khó tiếp cận với phần lớn thế giới.
Trong một cuộc họp báo diễn ra cuối năm 2020, Toyoda từng chế nhạo ý tưởng rằng Nhật Bản sẽ thay thế xe hybrid bằng xe thuần điện, cáo buộc truyền thông nội địa thổi phồng dòng xe điện.
Ở Nhật Bản, nơi điện năng được tạo ra chủ yếu từ quá trình đốt than và khí tự nhiên, xe điện sẽ chẳng giúp gì nhiều cho môi trường. "Càng nhiều xe điện tạo ra, càng thêm nhiều khí CO2", CEO của tập đoàn Toyota nói thêm.
Có thể thấy rằng, sự “bảo thủ” của các hãng xe Nhật trong việc sản xuất ô tô điện sẽ khiến họ chịu cùng số phận với các hãng điện tử tiêu dùng đồng hương khi rơi xuống vị trí không thích đáng do không duy trì được vị trí dẫn đầu trong xu hướng thị trường. Trong 10 năm tới, nếu để mất cơ hội dịch chuyển sang phân khúc xe điện, xe Nhật sẽ “thua” trong “cuộc đua” này.