Sự khác nhau giữa chế độ lấy gió trong và lấy gió ngoài trên ô tô

TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG: CHUYÊN TRANG CÔNG NGHIỆP Ô TÔ - XE MÁY CARTIMES

Sự khác nhau giữa chế độ lấy gió trong và lấy gió ngoài trên ô tô

Không phải ngẫu nhiên mà điều hoà xe hơi có 2 chế độ lấy gió trong và lấy gió ngoài. Vậy hai chế độ lấy gió này khác biệt ra sao và khi nào nên lấy gió trong, khi nào nên lấy khí trời vào cabin?

Chế độ lấy gió ngoài

Ở chế độ này, hệ thống điều hoà sẽ lấy nguồn gió từ môi trường bên ngoài, màn lọc giữ lại các bụi bẩn rồi thổi không khí vào bên trong nội thất xe. Ưu điểm chính của chế độ này là tạo được sự lưu thông không khí cho cabin. Đặc biệt là giúp người lái và hành khách không bị thiếu oxi rồi cảm thấy mệt mỏi khi ngồi lâu trong xe.

Tuy nhiên, nếu xe đi ngang chỗ có mùi hôi hay nhiều khói bụi (kẹt xe, khói đốt rác…) thì người ngồi trong khoang lái xe phải ngửi những mùi khó chịu này. Ngoài ra, do lấy không khí ngoài trời nên chế độ này sẽ làm mát (hoặc làm ấm) sẽ không nhanh như lấy gió trong.

chế độ lấy gió ngoài
Hệ thống điều hoà sẽ lấy nguồn gió từ môi trường bên ngoài, màn lọc giữ lại các bụi bẩn rồi thổi không khí vào bên trong nội thất xe
Quảng cáo

Chế độ lấy gió trong

Ngược với lấy gió ngoài, chế độ lấy gió trong sẽ tái sử dụng lại chính không khí đang có trong cabin để lọc và thổi qua các cửa gió, làm mát trở lại hành khách. Điểm cộng của chế độ này là tránh được các mùi khó chịu và không khí ô nhiễm bị hút vào khoang lái. Đồng thời, chế độ này cho khả năng làm mát nhanh hơn, từ đó giúp tiết kiệm nhiên liệu hơn khi động cơ không cần chia nhiều sức để kéo máy lạnh như chế độ lấy gió ngoài.

Đổi lại, nếu lấy gió trong liên tục thì lượng oxi trong cabin sẽ giảm dần. Nếu kéo dài sẽ gây mệt mỏi, uể oải cho người lái cũng như hành khách, nhất là trong những chuyến đi xa.

chế độ lấy gió trong
Chế độ lấy gió trong sẽ tái sử dụng lại chính không khí đang có trong cabin để lọc và thổi qua các cửa gió

Khi nào nên lấy gió ngoài?

Quảng cáo

Từ các cơ sở trên, người lái nên để xe lấy gió ngoài khi:

- Mới nổ máy xe, kết hợp mở cửa kính để giảm tiêu hao nhiên liệu, thanh lọc, làm mới không khí bên trong cabin cũng như tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi vào xe, nhất là khi xe đậu lâu dưới trời nắng.

- Di chuyển đường xa, lái xe liên tục. Cứ mỗi 30 phút nên chủ động lấy gió ngoài tầm 5 phút (hoặc hạ cửa kính nhanh) để cabin được thông thoáng, giảm mệt mỏi cho người lái và hành khách. Lưu ý là nên chọn nơi không khí trong lành, tránh khu vực nhiều bụi bẩn và mùi hôi.

Khi nào nên lấy gió trong?

Quảng cáo

Tương tự, người lái nên chủ động sử dụng chế độ lấy gió trong khi:

- Xe bắt đầu di chuyển để rút ngắn thời gian làm mát (hoặc làm ấm) cho cabin.

- Di chuyển đoạn ngắn, chạy trong đô thị hoặc nơi có mùi hôi, khói bụi, ô nhiễm không khí.

- Chạy xe dưới mưa hoặc nơi có điều kiện thời tiết ẩm ướt để hạn chế hơi nước bên ngoài bị hút vào cabin gây ẩm, mốc hệ thống điều hoà.

Tin khác