Trang bị đồ bảo hộ
Điểm đặc biệt trên những bộ áo giáp bảo hộ khi chạy mô tô phân khối lớn là những phần gù bảo vệ ở phần cổ, phần khỉu tay và đầu gối trên quần bảo hộ được làm từ nhựa ABS hoặc cao su non, cho khả năng đàn hồi cao, giảm những va chạm trực tiếp đối với những phần cổ, phần khớp xương lớn như khỉu tay và đầu gối trực tiếp xuống mặt đường.
Nhờ vào những phần khỉu bảo vệ này có một độ đàn hồi cao. Giảm những dư chấn khi không may người điều khiển có bị ngã, va chạm mạnh với mặt đường.
Ngoài bảo vệ các khớp xương, cổ của người điều khiển mô tô phân khối lớn, những bộ đồ bảo hộ còn có tác dụng làm giảm lượng gió mạnh tạt vào người.
Giữ đúng tư thế lái xe an toàn
Để điều khiển được một chiếc mô tô an toàn cần khá nhiều yếu tố, có thể kế đến như vị trí ngồi phù hợp cho mỗi dòng xe. Đầu tiên, người lái cần điều chỉnh để eo và hông tạo ra một khoảng cách gần bình xăng nhất định, có thể cách giữa vùng eo và bình xăng trong khoảng một nắm tay.
Đây là khoảng cách an toàn để cơ thể có thể di chuyển khi xe tăng tốc hoặc phanh đột ngột. Bên cạnh đó, khoảng cách này sẽ tạo tư thế thoải mái nhất để thao tác lái được dễ dàng hơn, ít mỏi mệt khi di chuyển đường dài do những rung động đến từ động cơ hoặc mặt đường.
Mũi chân nên được đặt vững chắc trên gác chân. Tư thế này sẽ làm tăng độ đàn hồi cho bàn chân, cổ chân, qua đó, giúp người lái phản xạ linh hoạt hơn khi vào số hay hãm phanh, đồng thời tránh được các rung chấn của mặt đường lên ống chân và phần trên cơ thể, góp phần giảm thiểu mệt mỏi trên những hành trình dài.
Ngoài ra, việc ôm sát đùi, đầu gối vào thân xe sẽ giúp người lái và chiếc xe trở thành một khối liên kết thống nhất, giúp lái xe giữ thăng bằng tốt hơn trong khi phanh hay qua các khúc cua, đường dốc, đồng thời góp phần làm giảm lực cản gió do cơ thể tạo ra khi đang lái xe.
Phần ngực, vai và hai cánh tay nên được thả lỏng khi điều khiên xe mô tô để tạo sự thoải mái, linh hoạt cho tay khi đánh lái. Nếu người lái gồng cứng cánh tay sẽ dễ cảm thấy mỏi khi đi những chặng đường dài.
Luôn đặt tay lên côn và phanh
Điều quan trọng trong việc điều khiển xe côn tay nói chung và những loại mô tô phân khối lớn nói riêng là luôn phải giữ thói quen đặt tay lên cả tay côn và tay phanh. Khác với xe số và xe ga, để điều khiển một chiếc xe côn tay an toàn, người điều khiển luôn phải kết hợp nhịp nhàng cả chân số, chân phanh, tay côn cũng như tay ga, nhấn nhả nhịp nhàng.
Việc đặt tay lên càng phanh và côn cũng giúp người điều khiển mô tô có khả năng phản xạ nhanh hơn khi gặp tình huống bất ngờ, nhất là đang lái với tốc độ cao. Nên kết hợp đồng thời cả phanh tay và phanh chân để đạt hiệu quả tốt nhất.
Chú ý kính chiếu hậu
Nhờ quan sát gương chiếu hậu, người điều khiển phương tiện có thể biết được xe vượt lên để nhường đường, tránh bị bất ngờ khi xe vượt lên. Đồng thời, lái xe cũng dễ dàng quan sát khoảng cách phía sau để đưa ra quyết định nhập làn, chuyển làn, chuyển hướng, rẽ phải rẽ trái một hoặc dừng lại một cách an toàn.
Quan sát gương chiếu hậu khi điều khiển phương tiện sẽ giúp lái xe có những cách xử lí các tình huống giao thông một cách chính xác, nhanh nhạy trên đường.
Tập trung khi lái xe
Việc quan trọng nhất trong khi lái xe mà người điều khiển xe mô tô phân khối lớn hay bất cứ một loại phương tiện nào khác cần chú ý đó là sự tập trung.
Những hành động không liên quan khi đang lái xe như nghe điện thoại, chụp ảnh hay ăn uống,... rất dễ gây nên những sự cố ngoài ý muốn gây nguy hiểm đến người và hàng hóa trên xe cũng như những phương tiện và người lưu thông trên đường.
Đối với những người điều khiển xe mô tô phân khối lớn thì lại càng nguy hiểm hơn, khi đó một tay đã dùng để làm việc khác và không thể sẵn sàng để tay vào côn, dẫn đến việc phản ứng chậm khi gặp những tình huống bất ngờ xảy ra.