Dưới đây là các chi tiết, bộ phận chủ xe ô tô cần quan tâm để kiểm tra, tránh các rủi ro ảnh hưởng khả năng vận hành xe do ngập nước.
Theo các chuyên gia, xe ô tô sau khi di chuyển qua các khu vực ngập nước cần được mang đến cơ sở bảo dưỡng gần nhất. Toàn bộ bộ phận sẽ được tháo gỡ, hong khô và “soi” cẩn thận.
Theo đó, dầu máy là chi tiết đầu tiên được các thợ kiểm tra khi xe ô tô được đưa vào garage. Điều này cũng áp dụng tương tự với dầu cầu hay dầu số. Bởi khi dầu máy khi bị vào nước sẽ có màu nâu nhạt như cà phê sữa. Nếu người lái không biết và khởi động xe, điều này sẽ gây hại cho toàn bộ khoang động cơ.
Ngoài dầu máy, bầu lọc gió cũng sẽ được kỹ thuật viên kiểm tra cẩn thận bởi đây là bộ phận quan trọng ảnh hưởng đến khả năng vận hành của toàn bộ khối động cơ bên dưới nắp ca pô.
Đối với xe ô tô động cơ đốt trong, bầu lọc gió đóng vai trò như một vách ngăn khói bụi, điều hòa nhiệt độ khối động cơ. Nếu bầu lọc gió nhiễm nước, xe nhiều khả năng đã bị thủy kích, dẫn đến hư hỏng toàn bộ động cơ.
Danh sách các chi tiết, bộ phận cần được kiểm tra còn bao gồm ống hút khí nạp, lọc gió, vệ sinh bộ phận turbo (nếu có), các cảm biến không khí, bướm ga, bugi, cầu chì…
Với các xe ô tô chỉ di chuyển qua vùng nước ngập thường không bị ảnh hưởng vào nội thất. Tuy nhiên nếu ôtô bị ngâm nước lâu ngày cũng cần kiểm tra toàn bộ khoang cabin để tránh tình trạng da bọc ghế bị ẩm, dẫn đến bung, mốc da về sau.
Theo nhận định của kỹ thuật viên, phần kiểm tra động cơ và các bộ phận còn lại không quá khó, phức tạp nhất là phần điện. Các chi tiết như hộp điều khiển, cảm biến, giắc điện đều cần được tháo ra hong khô, vệ sinh sạch.
Toàn bộ khâu kiểm tra có thể mất đến vài giờ đồng hồ tùy vào tình trạng của xe. Nếu không có hư hỏng nặng hoặc cần phải thay thế linh kiện, chi phí sẽ dao động 2-10 triệu đồng tùy mức độ ngập úng của xe.
Sau quá trình kiểm tra, hệ thống gầm bệ cũng cần được xịt khô và sơn lại nếu trầy xước để đảm bảo không bị gỉ sét trong tương lai.