Mục đích sử dụng bằng lái B1 và B2
Bằng lái B1 số tự động: Chỉ được phép điều khiển xe số tự động phục vụ mục đích cá nhân, gia đình. Không được hành nghề lái xe dịch vụ như taxi, taxi tải, taxi công nghệ...
Bằng lái B1 số sàn: Được phép điều khiển cả xe số sàn và xe số tự động nhưng không được hành nghề kinh doanh như chạy taxi, taxi tải, taxi công nghệ...
Bằng lái B2: Được phép lái cả xe số sàn, số tự động và hành nghề kinh doanh như: xe taxi, xe dịch vụ 4 – 9 chỗ; xe ô tô tải có trọng tải dưới 3,5 tấn.
Thời gian đào tạo bằng lái B1 và B2
Khoản 7, Điều 1 Thông tư 04/2022/TT-BGTVT ban hành ngày 22/4/2022, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017/TT-BGTVT có quy định thời gian đào tạo bằng lái xe các hạng B1 và B2 như sau:
Hạng B1 số tự động: 476 giờ, bao gồm 136 giờ học lý thuyết và 340 giờ thực hành lái xe.
Hạng B1 xe số sàn: 556 giờ, bao gồm 136 giờ học lý thuyết và 420 giờ thực hành lái xe.
Hạng B2: 588 giờ, bao gồm 168 giờ học lý thuyết và 420 giờ thực hành lái xe.
Thời hạn giấy phép lái xe
Bằng B1 số sàn và tự động có giá trị sử dụng đến khi lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam.
Bằng B2 chỉ có giá trị sử dụng trong vòng 10 năm kể từ ngày cấp, không phân biệt giới tính và độ tuổi. Khi hết thời hạn sử dụng, lái xe cần phải gia hạn hoặc thi lại để được cấp bằng mới.
Từ sự so sánh trên có thể thấy, tùy theo mục đích sử dụng mà chúng ta nên lựa chọn học bằng lái xe ô tô hạng B1 hay B2. Riêng với chị em phụ nữ, theo những người dày dạn kinh nghiệm lái xe thì nên chọn bằng B1. Bởi, phần lớn phụ nữ Việt Nam hiện nay đều sử dụng ô tô nhằm mục đích phục vụ cá nhân và gia đình. Rất hiếm chị em sử dụng ô tô để chạy dịch vụ. Do đó, bằng B1 được cho là lựa chọn phù hợp nhất, có thể tiết kiệm chi phí, thời gian học trong khi thời gian sử dụng lâu dài và không cần gia hạn thường xuyên.