Những bộ phận nhanh bị hỏng nhất trên ô tô

TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG: CHUYÊN TRANG CÔNG NGHIỆP Ô TÔ - XE MÁY CARTIMES

Những bộ phận nhanh bị hỏng nhất trên ô tô

Lốp, lazăng, đèn chiếu sáng, gạt mưa, gioăng kính… được cho là những bộ phận dễ hư hỏng nhất trên ô tô.

Hệ thống phanh

Với chức năng “giữ nhịp và điều tiết" cho cả một cỗ máy vận hành nhịp nhàng an toàn, hệ thống phanh là bộ phận có cấu tạo phức tạp và cường độ hoạt động rất cao trên ô tô.

Bất kỳ tài xế nào khi được khảo sát về trang bị quan trọng hàng đầu khi di chuyển thì hầu hết sẽ có câu trả lời liên quan đến phanh xe. Chính vì tần suất sử dụng dày đặc này cho nên đây là bộ phận tiếp theo có nhiều khả năng gặp trục trặc trong quá trình sử dụng.

Theo thời gian, hệ thống phanh thường gặp sự cố bởi một số nguyên nhân như: thói quen sử dụng của người dùng, điều kiện địa hình, tình trạng giao thông cùng các yếu tố liên quan đến kỹ thuật.

phanh xe ô tô
Theo thời gian, hệ thống phanh thường gặp sự cố

Lốp xe và la-zăng (mâm xe)

Lốp xe được ví như “đôi chân" của ô tô bởi bộ phận này là trụ đỡ cho toàn bộ tải trọng xe và đón nhận tất cả lực truyền từ động cơ khi di chuyển.

Lốp xe cũng chính là “đối tượng tương tác" trực tiếp nhiều nhất với hệ thống phanh do đó, tốc độ mài mòn hay nói cách khác độ sâu gai lốp giảm dần có liên hệ mật thiết với mức độ sử dụng phanh của tài xế. Các thao tác như tăng tốc đột ngột, liên tục phanh gấp, nhấn - nhả bàn đạp phanh không nhất quán hay dứt khoát là một trong những tác nhân chủ yếu dẫn đến độ hao mòn lốp xe qua thời gian.

Ngoài các nguyên nhân trên, lốp xe và la-zăng còn có thể bị hư hỏng hay móp méo bởi các yếu tố như xe hoạt động quá tải, tai nạn giao thông, thường xuyên chở quá trọng tải, địa hình gồ ghề, xe cán phải đinh hoặc vật nhọn, sự cố nổ lốp….

Hệ thống đèn xe

Bộ phận ô tô này đóng vai trò như “đôi mắt" với tác dụng tăng cường khả năng quan sát từ xa cho tài xế và có thể làm giảm nguy cơ xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Hiện nay, 4 kiểu đèn halogen, xenon, HID và LED đang được các hãng trang bị phổ biến trên đa dạng dòng xe từ phổ thông đến cao cấp.

hệ thống đèn xe
Hệ thống đèn xe nằm trong danh sách thường xuyên phát sinh sự cố

Tuổi thọ của đèn halogen khoảng 450 - 1.000 giờ chiếu sáng ở điều kiện di chuyển bình thường (như vậy giả sử mỗi ngày sử dụng 30 phút, bóng đèn có thể duy trì được trong khoảng 5 năm). Các đèn khác như xenon, HID tuổi thọ có thể gấp đôi so với đèn halogen và đèn LED sở hữu vòng đời cao nhất.

Quảng cáo

Hệ thống đèn xe nằm trong danh sách thường xuyên phát sinh sự cố bởi 2 nhóm lý do:

- Trục trặc về kỹ thuật: chất lượng bóng đèn, rơ le, máy phát điện, cầu chì, dây điện...

- Tác động từ ngoại cảnh: va chạm, điều kiện khí hậu, sử dụng sai cách...

Hệ thống cần gạt nước

Là “dụng cụ vệ sinh tự thân" duy nhất trên ô tô, hệ thống này đảm đương vai trò gạt nước mưa, bụi bẩn, lá khô, xác côn trùng… bám trên kính lái.

Từ thực tế sử dụng cho thấy, hệ thống cần gạt thường bị rút ngắn tuổi thọ bởi các hiện tượng như bình nước rửa kính rạn nứt, vòi phun nước bị tắc nghẽn, thanh gạt bị cong, mòn lưỡi cao su, cháy motor (xảy ra khi quá lạm dụng cần gạt).

Các gioăng kính cửa 2 bên

Theo lý thuyết, nếu việc sử dụng xe ô tô hội tụ đầy đủ các yếu tố như gara có mái che, thời tiết luôn ôn hoà mát mẻ, môi trường trong lành... thì độ bền của các gioăng kính lái và cửa hai bên có thể lên đến 7 - 10 năm. Tuy nhiên những điều kiện lý tưởng trên thường rất khó đạt được với tình trạng thực tế tại Việt Nam.

Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như miền Bắc nước ta là “kẻ thù” số một khiến các chi tiết cao su bị thoái hóa rất nhanh, chai cứng, nứt gãy dẫn đến việc xuất hiện tiếng rít to hay cửa bị kẹt khi người dùng thực hiện thao tác đóng mở.

Bề mặt sơn bên ngoài

Những năm gần đây, các nhà sản xuất xe hơi đã công bố rất nhiều mẫu xe có màu sơn hút mắt và bắt trend để đáp ứng nhu cầu đa dạng từ người dùng. Thời điểm mới xuất xưởng, mẫu xe nào cũng sở hữu lớp nước sơn ngoại thất bóng bẩy, mịn màng và tông màu sắc nét.

Tuy nhiên sau khoảng một năm sử dụng, “làn da" của không ít các xe đã dần dần mất đi vẻ sáng sủa và tươi mới ban đầu. Nguyên nhân của hiện tượng này đôi khi đến từ ảnh hưởng thời tiết, điều kiện đường sá, sự cố va quệt hay thời gian sử dụng.

Bên cạnh đó, bề mặt lớp sơn có thể xuất hiện hàng triệu các vết xước li ti bắt nguồn từ một số hành động vô tình của người dùng. Ví dụ như công đoạn rửa xe không tuân theo khuyến cáo từ nhà sản xuất hay việc sử dụng khăn lau thô ráp để làm sạch bụi bẩn, khi đó đất cát sẽ bám vào khăn và chà xát vỏ xe gây xước lớp sơn bóng.

Tin khác