Hết hạn giảm 50% phí trước bạ, thị trường ô tô cuối năm sẽ thế nào?

TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG: CHUYÊN TRANG CÔNG NGHIỆP Ô TÔ - XE MÁY CARTIMES

Hết hạn giảm 50% phí trước bạ, thị trường ô tô cuối năm sẽ thế nào?

Từ 1/1/2024, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ chính thức hết hiệu lực. Nhiều người lo ngại, “sức mua” sẽ giảm vào dịp cuối năm.

Ngày 28/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP về việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước.

Chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Từ đó cũng góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.

Chính sách ô tô
Chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước lần này dù đã có tác động nhất định tới việc tăng sức mua nhưng doanh số vẫn chưa được như kỳ vọng

Khi chính sách ưu đãi bắt đầu được áp dụng, kỳ vọng này là có cơ sở khi nhìn vào những tác động tích cực của các "liều thuốc" giảm phí đã từng được áp dụng trước đó vào năm 2020, cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đối với thị trường và sức mua của người tiêu dùng.

Song, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhận định, việc áp dụng chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước lần này dù đã có tác động nhất định tới việc tăng sức mua, nhưng vẫn chưa mang lại khối lượng tiêu thụ và doanh số bán hàng của cả năm 2023 như kỳ vọng.

Quảng cáo

Cụ thể, doanh số bán ô tô 11 tháng đã qua của năm 2023 giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 31%; xe thương mại giảm 16% và xe chuyên dụng giảm 57% so với năm 2022. Cũng tính đến hết tháng 11/2023, tổng doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 25% so với cùng kì năm ngoái.

VAMA cho rằng, việc doanh số tiếp tục sụt giảm mạnh kể cả khi đang áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ cho thấy suy thoái kinh tế sau dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn. Cộng thêm các diễn biến bất ổn khó lường của kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu thời gian qua đã gây khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Theo đó, hàng tồn kho của các hãng sẽ ảnh hưởng tới dòng tiền, đọng vốn, chi phí lãi suất ngân hàng tăng, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, vận hành của nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp,…

Thị trường ô tô
Các Hãng xe muốn “vớt vát” doanh số tháng cận Tết âm thì chẳng còn cách nào khác là phải tiếp tục đẩy mạnh, triển khai các chương trình để kích cầu người tiêu dùng

Từ 1/1/2024, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước đã chính thức hết hiệu lực, nhiều người lo ngại, sức mua sẽ vẫn ở mức thấp (dù là vào dịp cận Tết Nguyên đán).

Theo các chuyên gia kinh tế, các Hãng xe muốn “vớt vát” doanh số tháng cận Tết âm thì chẳng còn cách nào khác là phải tiếp tục đẩy mạnh, triển khai các chương trình để kích cầu người tiêu dùng. Khi chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ hết hạn thì các doanh nghiệp lúc này phải tự mình đứng ra “gánh”. Thay vì giảm 50% phí trước bạ còn lại cho khách hàng như trước kia thì giờ giảm cả 100%.

Bên cạnh đó, các chương trình giảm giá hấp dẫn, thậm chí giảm giá sâu chưa từng có, bốc thăm trúng thưởng, hỗ trợ lãi suất vay, tặng bảo hiểm, tặng phụ kiện đi kèm… cũng sẽ là “chiêu cuối” để kéo khách hàng đến mua xe.

Tin khác