VinFast và câu chuyện nội địa hoá

TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG: CHUYÊN TRANG CÔNG NGHIỆP Ô TÔ - XE MÁY CARTIMES

VinFast và câu chuyện nội địa hoá

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam muốn phát triển thì phải gia tăng được tỷ lệ nội địa hoá. Mà muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá thì rất cần những doanh nghiệp “đầu tàu” như VinFast.

Tỷ lệ nội địa hoá trong ngành ô tô Việt Nam đang ở mức nào?

Các con số về tỷ lệ nội địa hoá và sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ dường như là vấn đề muôn thuở đối với ngành ô tô Việt Nam.

Trao đổi với báo giới tại cuộc Toạ đàm về nội địa hoá ô tô VinFast diễn ra ngay trong khuôn viên Nhà máy ô tô VinFast tại Cát Hải – Hải Phòng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết: “Tôi không thể quên được ký ức ban đầu từ những năm 90, khi chúng ta bắt đầu mong muốn thiết kế chương trình công nghiệp hóa thì đã có một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới Việt Nam trong lĩnh vực phát triển công nghiệp ô tô: Từ Toyota, Isuzu của Nhật Bản, Hyundai, Deawoo của Hàn Quốc, đến Ford của Mỹ… Đến năm 1995, có 11 hãng ô tô trên thế giới vào Việt Nam để phát triển dây chuyền lắp ráp đầu tiên. Lúc đó tất cả chúng tôi đều có một niềm tin, một khát vọng, một mong muốn rất lớn là ngành công nghiệp phụ trợ sẽ phát triển, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng lên. Người Việt Nam làm việc cho họ sẽ học hỏi được về kỹ năng lao động, kỹ năng quản lý, có sự chuyển giao công nghệ để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hình thành”.

Nội địa hoá ô tô
Năm 1995, có 11 hãng ô tô trên thế giới vào Việt Nam để phát triển dây chuyền lắp ráp, nhưng đến nay, tỷ lệ nội địa hoá vẫn ở mức thấp

Đối với những nhà đầu tư đó, ban đầu chúng ta cho họ ưu đãi khá cao trên cơ sở họ cam kết tạo lao động cho Việt Nam và tỷ lệ nội địa hóa. Nhà đầu tư nào cũng cam kết sau bao nhiêu năm nội địa hoá bao nhiêu phần trăm. Phần lớn cam kết khoảng 30% nội địa hóa cho Việt Nam sau 10 -15 năm và chuyển giao công nghệ tiến tới xuất khẩu…

“Nhưng trên thực tế thì như thế nào? Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dùng các doanh nghiệp phụ trợ do họ mang từ bên ngoài vào Việt Nam, và được hưởng ưu đãi như họ. Với ưu đãi như vậy, thì các ngành phụ trợ ở Việt Nam không thể có cơ hội phát triển được khi chúng ta vẫn chịu mức thuế cao hơn, ban đầu là 25%, sau đó 22%, rồi 17% thuế thu nhập doanh nghiệp... trong khi doanh nghiệp nước ngoài thì chỉ 10%. Điều đó giải thích cho con số doanh nghiệp phụ trợ ở Việt Nam hiện nay, theo Bộ Công Thương, chỉ có khoảng 3.400 cho tất cả các ngành khác nhau, chưa nói là ô tô” – Bà Lan nói thêm.

Bộ Công Thương mới đây cũng đã có đánh giá về tỷ lệ nội địa hoá trong ngành ô tô. Theo đó, tỷ lệ nội địa hoá với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020, 40 - 45% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030. Nhưng con số thực tế hiện nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%.

Quảng cáo

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, khi triển khai thực hiện Quyết định 68/QĐ-TTg về công nghiệp hỗ trợ (CNHT), Bộ tập trung vào các lĩnh vực như linh kiện phụ tùng máy móc thiết bị, công nghiệp hỗ trợ dệt may, da giày và công nghệ cao. Sau 6 năm thực hiện với mục tiêu đạt 45% trở lên cho nhu cầu sản xuất nội địa, linh kiện xe máy đáp ứng được 85-90%, linh kiện sản xuất ôtô là 15-40% (tùy chủng loại xe); 40-60% máy nông nghiệp; dệt may, da giày là 40-45%. Tuy vậy, một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp, như công nghệ cao mới đáp ứng được 10%.

Thực tế hiện nay, theo thông tin được cung cấp từ doanh nghiệp, hiện có Thaco đạt khoảng 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Tại Việt Nam, một số linh kiện nội địa hóa được, có chi phí sản xuất và chất lượng cạnh tranh so với nhập khẩu, song chủ yếu là các chi tiết cồng kềnh, hay giản đơn, sử dụng nhiều nhân công, giá rẻ. Còn lại, phần lớn linh kiện và cụm linh kiện gặp vấn đề vốn đầu tư lớn mà sản lượng lại nhỏ nên có giá thành cao.

Vai trò của “đầu tàu” VinFast

Với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800 - 900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe, nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50%, thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD. Theo đánh giá, nếu không sớm có giải pháp, chính sách hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước phát triển thì nước ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng FDI tại Việt Nam.

Cần thiết phải có một doanh nghiệp đầu tàu như VinFast
Cần thiết phải có một doanh nghiệp "đầu tàu" như VinFast

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp thực hiện quản lý, phát triển cụm công nghiệp theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh vai trò của các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tiềm năng của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đã được bạn bè quốc tế nhìn nhận. “Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ ngày càng sát sườn hơn với doanh nghiệp. Đó là những lý do một số hãng xe lớn trên thế giới gần đây có xu hướng chuyển dịch từ nhập khẩu nguyên chiếc sang lắp ráp ô tô tại Việt Nam” - ông Phạm Tuấn Anh nêu.

Cũng theo đại diện Cục Công nghiệp, bên cạnh chính sách, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đầu chuỗi như Thaco, VinFast có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển. Bởi lẽ, đây là cơ hội để các đơn vị cung ứng linh kiện thứ cấp có điều kiện giao lưu, nghiên cứu, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm.

Thực tế, trong chuyến thăm Nhà máy VinFast và tham dự buổi Toạ đàm về nội địa hoá VinFast diễn ra hôm 12/12 vừa qua mới thấy nhận định của Cục Công nghiệp là hoàn toàn chính xác. Rất cần một doanh nghiệp “đầu tàu” như VinFast, cần một đầu chuỗi để kết nối mạng lưới cung ứng. Vậy VinFast đã làm được những gì?

Quảng cáo
Nhà máy VinFast
VinFast đã đặt ra một mục tiêu rõ ràng là không chỉ sản xuất xe mà còn thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển mạnh mẽ hơn

Trước thực trạng các doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có quy mô nhỏ lẻ, khả năng cạnh tranh thấp, thiếu liên kết trong chuỗi cung ứng, ngay từ khi gia nhập ngành công nghiệp sản xuất ô tô, lành đạo VinFast đã đặt ra một mục tiêu rõ ràng là không chỉ sản xuất xe mà còn thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển mạnh mẽ hơn, từ đó gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.

Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Nhà máy VinFast cho hay: “Tại tổ hợp nhà máy hiện đại hàng đầu thế giới, VinFast dành ra hơn 30% diện tích trong khuôn viên tổ hợp để phát triển khu công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng".

Đặc biệt, VinFast đã chủ động sản xuất các cấu phần quan trọng như thân vỏ, động cơ… nhờ các xưởng sản xuất có mức độ tự động hóa trên 90%, đảm bảo chất lượng và quy mô sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại trong nhà máy VinFast có các xưởng: dập, hàn, lắp ráp, động cơ… đều được lắp đặt trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến bậc nhất thế giới của Đức, Áo, Hàn Quốc…

Hiện tỉ lệ nội địa hóa của xe điện VinFast đã đạt hơn 60%, bao gồm các chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe, giảm xóc. Đây là một thành tựu đáng chú ý trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn non trẻ.

Lộ trình gia tăng tỉ lệ nội địa hóa của VinFast 

Giám đốc Nhà máy VinFast – ông Lê Ngọc Anh chia sẻ: “Chúng tôi đã xây dựng một lộ trình rõ ràng nhằm nâng tỉ lệ nội địa hóa từ hơn 60% hiện nay lên 84% vào năm 2026 thông qua việc sản xuất và cung ứng trong nước thêm các chi tiết như: Ghế xe, dây điện, đèn xe, vành xe, hệ thống phanh - lái, các linh kiện nội thất và ngoại thất, kính gương… Tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt 84% vào năm 2026 khi VinFast sản xuất được pin điện, một trong những linh kiện có giá trị cao nhất trong xe điện.

Quảng cáo
VinFast
VinFast đặt mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt 84% vào năm 2026

Để đạt được mục tiêu nói trên, VinFast triển khai một loạt các chiến lược và giải pháp cụ thể. Đầu tiên là tận dụng mạng lưới doanh nghiệp phụ trợ sẵn có để tối ưu hóa nguồn cung trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. “Chúng tôi hợp với các doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm sản xuất phụ tùng, linh kiện hoặc các lĩnh vực hỗ trợ như logistics, lắp ráp, gia công… nhằm giảm chi phí vận chuyển, tăng tốc độ cung ứng, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, kết hợp với các doanh nghiệp FDI đã có tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ hoặc sản xuất linh kiện, giúp tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ cao và kỹ năng quản lý hiện đại” – ông Lê Ngọc Anh nói.

Giải pháp tiếp theo là hợp tác chuyển giao công nghệ. Với mục tiêu đưa công nghệ tiên tiến về Việt Nam, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm nội địa, VinFast sẽ làm việc với các công ty có chuyên môn về thiết kế, sản xuất các linh kiện phức tạp, và đòi hỏi chất xám, công nghệ hàng đầu thế giới để hợp tác chuyển giao công nghệ cho các công ty đối tác hiện tại của VinFast tại Việt Nam. Đồng thời phát triển năng lực nội bộ bằng cách đào tạo đội ngũ kỹ sư và công nhân Việt Nam để vận hành công nghệ một cách hiệu quả và sáng tạo.

Hoạt động này sẽ giúp tăng tính chủ động trong chuỗi cung ứng, giảm chi phí nhập khẩu, và từng bước xây dựng hệ sinh thái sản xuất bền vững.

Cuối cùng, VinFast sẽ tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn và kinh nghiệm từ cả trong và ngoài nước nhằm xây dựng chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ. Cụ thể, hãng xe Việt kêu gọi đầu tư FDI mới, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất linh kiện trong tổ hợp nhà máy VinFast. Song song, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và tham gia vào chuỗi cung ứng của VinFast.

Nhà máy VinFast
Các sáng kiến của VinFast đã mang lại những kết quả tích cực, không chỉ cho công ty mà còn cho toàn ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Thực tế, các sáng kiến của VinFast đã mang lại những kết quả tích cực, không chỉ cho công ty mà còn cho toàn ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc sau khi tham gia vào chuỗi cung ứng của VinFast.

Ông Trần Quốc Minh Đăng - Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Ý Chí Việt chia sẻ: “Doanh nghiệp của chúng tôi làm về gia công chế tạo khuôn, ép nhựa, xi mạ chrome nhựa, sơn nhựa, và sơn trên nền xi mạ. Năm 2020 bước ngoặt lớn với chúng tôi khi cung cấp linh kiện cho VinFast. Hiện chúng tôi cung cấp hơn 80 linh kiện với hơn 60 khung nhựa cho nhiều xe từ VF e34 tới VF 9 và buýt điện. Chúng tôi tự hào khi đã cung cấp được các linh kiện nhựa đòi độ khó và chính xác cao với hệ thống ADAS cho xe điện VinFast. Sản xuất linh kiện ô tô đòi hỏi tinh túy, kiểm soát chất lượng khắt khe, nguồn tài chính lớn nên đây cũng là cơ hội lửa thử vàng. Chúng tôi đã làm được, không như ai đó nhận định là ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bao nhiêu năm không làm nổi cái đinh vít”.

Tin khác