3 vấn đề người dùng xe quan tâm nhất năm 2022

TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG: CHUYÊN TRANG CÔNG NGHIỆP Ô TÔ - XE MÁY CARTIMES

3 vấn đề người dùng xe quan tâm nhất năm 2022

Vấn nạn “bia kèm lạc”, đăng kiểm xe và hết giảm thuế trước bạ 50% với xe lắp ráp trong nước từ 1/6/2022 là những vấn đề mà các bác tài quan tâm nhất trong năm 2022.

Vấn đề đăng kiểm xe

Những ngày cuối năm, tại các trung tâm đăng kiểm rất đông người đưa xe đến, chủ xe mất nhiều thời gian chờ đợi, có lúc tình trạng quá tải trở nên trầm trọng thêm khi nhiều xe bị từ chối kiểm định chỉ vì xe được lắp thêm đồ… cho đẹp. Đặc biệt, tại các trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM, lượng xe xếp hàng dài chờ đợi; nhiều chủ xe đi từ lúc 1-2 giờ sáng; có trung tâm giảm công suất hoạt động.

Trong khi đó, nếu quá hạn đăng kiểm, ô tô sẽ không được lưu thông, với ô tô cá nhân còn có thể chờ, với xe tải chở hàng, xe kinh doanh, việc chậm đăng kiểm ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động kinh doanh, lưu thông hàng hóa của người dân nhất là khi Tết đã cận kề.

đăng kiểm xe
Cục Đăng kiểm có văn bản yêu cầu trung tâm đăng kiểm trên cả nước phải tuân thủ nghiêm quy định, làm sai sẽ xử lý nghiêm

Những chiếc xe ô tô “độ, chế” thêm cánh gió sau, bậc bước chân lên/xuống, vè che mưa, cụm đèn, mặt ca-lăng, mâm (vành), giá nóc… đi đăng kiểm gần đây đều bị từ chối kiểm định, chủ xe được yêu cầu phải khắc phục về nguyên trạng như khi xe xuất xưởng. Đặc biệt, trong các phụ kiện lắp thêm, có nhiều phụ kiện được các đại lý khuyến mại và lắp thêm ngay khi giao xe mới cho người mua. Điều đáng nói, trước đây, những xe lắp thêm như trên vẫn đạt đăng kiểm, nhưng nay lại không, gây ra nhiều tranh luận.

Mới đây, Cục Đăng kiểm có văn bản yêu cầu trung tâm đăng kiểm trên cả nước phải tuân thủ nghiêm quy định, làm sai sẽ xử lý nghiêm. Do đó, các trung tâm đăng kiểm cũng từ chối kiểm định với xe “độ, chế” làm sai khác mẫu mã của nhà sản xuất đã đăng ký, những xe đã lắp thêm thì buộc phải tháo trả về nguyên trạng ban đầu mới được kiểm định. Trước đây, có thể một số trung tâm đăng kiểm vẫn cho qua với những xe lắp thêm phụ kiện nhưng không làm thay đổi kết cấu, độ an toàn của phương tiện, nhưng nay có nhiều vấn đề nên siết chặt hơn.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới thực hiện niêm yết công khai các nội dung khiếm khuyết không nghiêm trọng này dưới dạng bảng thông báo ở vị trí treo dễ thấy, dễ đọc tại nơi chờ làm thủ tục kiểm định.

Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo chủ xe cần chủ động đăng ký lịch kiểm định; chủ động kiểm tra, bảo dưỡng xe trước khi đưa xe đi kiểm định để hạn chế nội dung không đạt, phải kiểm định nhiều lần gây quá tải, ách tắc tại các đơn vị đăng kiểm.

Hết giảm thuế trước bạ 50% với xe lắp ráp trong nước từ 1/6/2022 

Trong bối cảnh hết hạn chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cùng với 'cơn bão' thiếu hụt linh kiện đang diễn ra, thị trường ôtô lắp ráp trong nước đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của xe nhập khẩu.

Theo góc nhìn từ các chuyên gia, từ ngày 1/6/2022, chính sách giảm lệ phí trước bạ 50% đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước chính thức hết hiệu lực sau 6 tháng áp dụng, ít nhiều ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của xe trong nước.

xe lắp ráp
Hết giảm thuế trước bạ 50% với xe lắp ráp trong nước từ 1/6/2022 
Quảng cáo

Trước đó, nhờ chính sách này, thị trường ôtô đã phần nào hồi phục và tăng trưởng. Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) sau 5 tháng đầu năm áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, lượng xe toàn thị trường tiêu thụ tổng cộng 176.681 chiếc, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe lắp ráp chiếm 105.022 chiếc, tăng 47%; xe nhập khẩu chiếm 71.659 chiếc, tăng 29%.

Tuy nhiên, bước sang tháng 6 khi ưu đãi phí trước bạ hết hiệu lực, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 25.159 xe, giảm tới 42,6% so với tháng trước. Mức giảm của các mẫu xe Hyundai và VinFast cũng lần lượt là 34,1% và 18,4%.

Việc ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ kết thúc nhiều khả năng sẽ làm nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm mạnh. Bên cạnh đó, các yếu tố về vi mô, vĩ mô của nền kinh tế hiện tại ít nhiều cũng sẽ tác động tới thị trường ôtô trong thời gian tiếp theo.

Tuy nhiên, khi không còn ‘liều thuốc thần’ giảm phí trước bạ, các hãng xe sẽ phải ‘móc túi’ trợ giá xe, cũng như tung ra các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm tiêu dùng trong thời gian tới.

Vấn nạn “bia kèm lạc” tại thị trường xe Việt

Câu chuyện bán "bia kèm lạc" những ngày gần đây lại trở nên nóng bỏng khi thị trường ô tô trong nước đang trên đà hồi phục, nhu cầu của thị trường tăng cao và nhiều mẫu xe mới được các hãng cấp tập ra mắt.

Hàng loạt mẫu xe hot hiện nay như Hyundai SantaFe, Tucson, Creta; Ford Ranger, Explorer; đặc biệt là các dòng Toyota như Raize, Veloz Cross mới ra mắt đang được các đại lý báo giá với giá chênh từ vài chục đến cả trăm triệu so với giá niêm yết.

mua bán xe
Câu chuyện bán "bia kèm lạc" những ngày gần đây lại trở nên nóng bỏng khi thị trường ô tô trong nước đang trên đà hồi phục

Với một số ít khách hàng, số tiền họ sẵn sàng chi thêm vẫn có ích, phục vụ nhu cầu thực sự của một nhóm thiểu số là sở hữu sớm chiếc xe mơ ước. Tuy nhiên với số đông khách hàng, hình thức bán xe “bia kèm lạc” khiến sự công bằng và minh bạch trong mua bán bị mất đi. Các khách hàng đã đặt xe rất sớm, ngay từ những ngày đầu phải chờ đợi lâu hơn. Trong khi những người chấp nhận chi thêm lại được nhận xe ngay.

Thực tế, vấn nạn bán xe kiểu “bia kèm lạc” không chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Tại Mỹ, công ty nghiên cứu thị hiếu người dùng và thị trường có trụ sở tại Mỹ là GfK AutoMobility cho biết theo khảo sát của họ, 80% người mua xe trong tháng 5 và 6 tại nước này phải trả số tiền cao hơn giá đề xuất, trong đó có 34% các khoản phí họ “chưa bao giờ nghe thấy”. Kết quả là, 31% người dùng phải mua xe giá cao hơn đề xuất cho biết họ sẽ khuyên người quen không tìm tới đại lý mình từng mua xe. 27% người mua cho hay sẽ không trở lại đại lý nơi mua xe để làm dịch vụ. Tỉ lệ trên ở nhóm khách hàng mua xe đúng giá thấp hơn rất nhiều, lần lượt là 14 và 15%. 25% người dùng cho biết không bao giờ quay lại đại lý nơi mình phải mua xe giá cao hơn thông thường. Tuy nhiên, tại Mỹ Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ có những biện pháp mạnh tay để xử lý các vấn đề này.

Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, tình trạng bán xe ô tô kiểu bia kèm lạc mỗi khi xe mới ra mắt là “chuyện như cơm bữa” diễn ra lâu nay, đặc biệt là mỗi khí những mẫu xe hot ra mắt. Đơn cử như Ford Everest 2023 ra mắt cách đây chưa lâu đã gây choáng váng với người tiêu dùng khi có thời điểm giá “lạc” của mẫu xe này đã bị đẩy lên mức 200 triệu đồng.

Một số mẫu xe hot khác cũng từng nổi tiếng với mác bán “bia kèm lạc” có thể kể đến như Toyota Veloz, Hyundai SantaFe/Tucson hay Ford Ranger. Tình trạng mua “bia kèm lạc” đối với Ford Explorer 2022 đã xuất hiện ngay từ khi xe mới ra mắt và vẫn kéo dài sau đó khá lâu. Những khách đặt cọc Explorer 2022 đầu tiên phải chịu mức chênh “bia kèm lạc” lên đến 200-300 triệu đồng. Tương tự như Ford Explorer, hai mẫu xe nhà Hyundai đó là Tucson và SantaFe cũng gây sốt khi được các đại lý chào giá kèm “lạc” từ 50 đến 100 triệu đồng.

Lý do đa phần được các đại lý “bao biện” cho hành vi bán xe kiểu “bia kèm lạc” phổ biến được đưa ra là “khan hàng”, do tình hình dịch bệnh, thiếu chip v.v… Tuy nhiên, nếu Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) trình Quốc hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2023), căn bệnh kinh niên khiến thị trường ô tô Việt méo mó trong suốt thời gian qua có thể được giải quyết.

Tin khác