Động thái này được xem là dấu hiệu căng thẳng mới trong mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Thuế mới của EU có mức cao nhất lên tới 45,3% vừa chính thức có hiệu lực, sau một cuộc điều tra kéo dài suốt cả năm gây chia rẽ nội bộ châu Âu và khiến Bắc Kinh phải lên tiếng phản đối.
Trong cuộc bỏ phiếu nội bộ tại EU, 10 quốc gia thành viên, bao gồm Pháp, Ba Lan và Ý đã ủng hộ mức thuế mới, trong khi Đức và 4 quốc gia khác phản đối, 12 quốc gia còn lại bỏ phiếu trắng.
Trong lúc Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đàm phán với EU về một giải pháp thay thế cho thuế quan, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 10/10, khuyến nghị các nhà sản xuất ô tô lớn của nước này, bao gồm BYD, SAIC và Geely, nên tạm dừng các kế hoạch đầu tư lớn như xây dựng nhà máy tại các nước ủng hộ thuế quan.
Một số hãng xe nước ngoài cũng tham dự cuộc họp, trong đó họ được khuyên nên thận trọng khi đầu tư vào các quốc gia không bỏ phiếu và ưu tiên đầu tư vào những nước bỏ phiếu chống lại mức thuế mới, theo nguồn tin cho biết.
Các hãng xe Geely, SAIC, BYD hay Bộ Thương mại Trung Quốc hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức về vấn đề này.
Ý và Pháp hiện là hai quốc gia EU nổi bật thu hút đầu tư từ các hãng xe Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng đang lên tiếng cảnh báo về nguy cơ các dòng xe điện giá rẻ từ Trung Quốc sẽ đe dọa thị trường nội địa châu Âu.
SAIC, nhà xuất khẩu ô tô lớn thứ hai của Trung Quốc, đang tìm địa điểm để xây dựng nhà máy xe điện tại châu Âu và có kế hoạch mở trung tâm phụ tùng thứ 2 tại châu Âu, cụ thể là tại Pháp ngay trong năm nay nhằm phục vụ nhu cầu gia tăng đối với thương hiệu MG.
Trong khi đó, chính phủ Ý đang đàm phán với Chery, một trong những nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất Trung Quốc, cùng với các hãng xe khác như Dongfeng về các khoản đầu tư tiềm năng.
Tại Hungary, nơi đã bỏ phiếu chống lại thuế quan của EU, BYD hiện đang xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện. Gã khổng lồ ngành xe điện Trung Quốc cũng đang xem xét chuyển trụ sở chính tại châu Âu từ Hà Lan sang Hungary để tiết kiệm chi phí, theo các nguồn tin cho biết.
Ngay cả trước khi có chỉ thị từ Bắc Kinh, các công ty Trung Quốc cũng đã khá dè dặt trong việc đầu tư xây dựng nhà máy tại châu Âu do yêu cầu vốn lớn và phức tạp trong việc nắm bắt luật pháp, văn hóa địa phương. Cuộc họp ngày 10/10 cũng khuyến cáo các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc nên tránh các cuộc thảo luận đầu tư riêng lẻ với từng chính phủ châu Âu và thay vào đó, tổ chức các cuộc đàm phán tập thể.
Chỉ thị lần này của Bộ Thương mại Trung Quốc xuất hiện sau một cảnh báo tương tự vào tháng 7, khi cơ quan này khuyên các hãng xe trong nước hạn chế đầu tư vào Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và cẩn trọng hơn khi đầu tư vào châu Âu.