Những chiếc xe trong miền ký ức: Xe U-oát

TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG: CHUYÊN TRANG CÔNG NGHIỆP Ô TÔ - XE MÁY CARTIMES

Những chiếc xe trong miền ký ức: Xe U-oát

Tuổi thơ tôi ngoài gắn bó với những chiếc xe đạp, còn là ký ức ngồi trong lòng bố ở ghế phụ mỗi lần về quê. Nghe tiếng phanh ken két, tiếng động cơ rì rì, tiếng quạt con cóc vè vè của chiếc xe U-oát.

Năm 90. Bố đưa cả nhà tôi xuống Hà Nội sống. Đó là quyết định mà bố muốn làm từ lâu rồi nhưng chưa có điều kiện. Lúc đó tôi đã có em gái. Việc đưa 4 mẹ con xuống thành phố đối mặt với chỗ ở, công việc cho mẹ, nơi học hành cho tôi và anh trai… quả là khó khăn.

Xe U-oát trên đường phố Hà Nội những năm đầu 90
Xe U-oát trên đường phố Hà Nội những năm đầu 90

Tôi nhớ đó là thời điểm sau Tết âm lịch. Tết đó nhà tôi tổ chức ăn uống rất nhiều bữa. Mãi sau tôi mới biết là đó là tiệc chia tay họ hàng, láng giềng. Khoảng rằm tháng Giêng. Chú Sơn – lái xe của cơ quan bố, đánh con xe U-oát lên đỗ trước cửa nhà. Những thứ cần mang đi, bố mẹ đã đóng gói cẩn thận từ sáng. Bác tôi gọi bố lên cho chiếc xe Simson, nhưng bố không nhận. Về nhà bố nói với mẹ: “Của vay là của lo. Của cho là của nợ”. Tôi nghe lỏm được câu đó và cứ nhớ mãi.

Quảng cáo

Thế là tài sản mang đi chỉ chằn chặn vài túi quần áo, mấy cái xoong, nồi, bát, đũa. Cái xe đạp Thống Nhất của mẹ treo ở phía sau xe cùng 2 bu gà. Nhà có 5 người thêm cả đồ đạc mà chuyển nhà bằng đúng cái xe U-oát. Tôi nhớ U-oát là vì thế. Nó là chiếc xe đưa tôi từ vùng quê nghèo ở ngoại thành, đến với thành phố và sống ở đây đến bây giờ.

Xe U-oát ngày nay tại một đại lý bán xe
Xe U-oát ngày nay tại một đại lý bán xe

Xe U-oát hồi đó được sử dụng phổ biến trong các cơ quan Nhà nước. Nó là chiếc xe công dã chiến, đưa mọi người đi công tác, họp hành, thăm hỏi việc hiếu, việc hỷ. Cán bộ trong cơ quan ai có việc riêng thì phải đăng ký xe, lái xe trước cả tháng. Có suất xin xe, nhưng chỉ những việc quan trọng lắm ở quê bố mới đăng ký.

Quảng cáo

Mỗi lần bố xin xe đưa cả nhà về quê là tôi vui lắm. Có khi háo hức cả đêm. Sáng hôm sau được ưu tiên ngồi trong lòng bố ở ghế phụ. Nhìn chú Sơn vần vô lăng, điều khiển chiếc xe mà ngưỡng mộ. Trên ca-bin có bao nhiêu nút công tắc, dài dài, gạt lên gạt xuống. Lại có cả cái quạt con cóc, cánh màu xanh, trong cái lồng sắt nhỏ quay vè vè.

Xe U-oát của cơ quan bố cả nóc ở trên và phía sau làm bằng bạt. Giời nóng chú Sơn vén phía sau lên để gió thổi vào cho mát. Đang đi mà gặp trời mưa, chú dừng lại buông bạt xuống, gài từng nút lại như cái nút cặp sách của tôi. Bạt cũ, mưa to, mẹ tôi ngồi sau mà ướt hết một bên vai. Ngồi ô tô mà vẫn bị ướt, nghĩ cũng buồn cười.

Về đến quê là đám bạn tôi chạy theo xe suốt từ đầu xóm vào đến tận nhà. Lúc xe đỗ lại, bọn nó ngó nghiêng, nhìn vào bên trong một cách tò mò. Có lần về cưới Dì, cũng chính chiếc xe U-oát đó được gắn thêm hoa, dán chữ song hỷ, trưng dụng luôn thành xe dâu.

Quảng cáo
Xe U-oát gắn với ký ức của nhiều người
Xe U-oát gắn với ký ức của nhiều người

Đến mãi sau này tôi mới được ngồi sau vô lăng của chiếc xe U-oát. Đó là ở bãi tập lái xe. Bọn tôi cứ trêu nhau, ai mà học lái bằng xe U-oát thì đảm bảo thi chắc chắn đỗ. Cả tay lái và số đều nặng. Muốn vào số phải đạp côn 2 lần (côn đôi). Mất nhiều thao tác hơn, nhưng kỹ năng cũng vì thế mà thuần thục hơn. Tập xong ai nấy mồ hôi nhễ nhại. Phần vì tâm lý, phần vì xe không có điều hoà. Nên nhớ lắm!

Sau này làm phóng viên xe, tôi còn “gặp” U-oát trong các cuộc thi off-road. Ba bốn chục năm tuổi, nhưng U-oát vẫn cứ là “chiến binh” đáng gờm trên đường đua địa hình. Hẳn là không chỉ tôi, chắc nhiều người cũng còn “nhớ” và “yêu” U-oát lắm!

Tin khác