Những chiếc xe trong miền ký ức: Xe khách cuối những năm 80

TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG: CHUYÊN TRANG CÔNG NGHIỆP Ô TÔ - XE MÁY CARTIMES

Những chiếc xe trong miền ký ức: Xe khách cuối những năm 80

Xe khách cuối những năm 80 đối với một đứa trẻ sinh vào đầu 8X như tôi là một ký ức mờ nhạt. Nó như thể tấm ảnh phim đen trắng không được bảo quản nên ố loang lổ. Chỗ rõ, chỗ không.

Tôi sinh ra ở vùng đất sỏi Sơn Tây. Năm 4 tuổi. Khi bắt đầu láng máng nhận thức được, tôi đã có dịp ngồi trong lòng bố, trên những chiếc xe khách chạy tuyến Sơn Tây – Kim Mã mỗi dịp cuối tuần.

Mẹ tôi làm nông. Bố làm cán bộ đường sắt ở ga Hàng Cỏ. 3 anh em tôi sống với mẹ ở miền đất trung du chân giẫm lổn nhổn đá ong, đầu đội “nắng Sơn Tây, mây Ba Vì”. Vì lí do công tác, bố chỉ về thăm nhà vào chủ nhật. Thi thoảng, bố lại đưa tôi xuống Hà Nội ở với ông một tuần. Thế nên, trong đầu một đứa trẻ chưa đầy 5 tuổi như tôi lúc đó mới ghi lại được chút ký ức loà nhoà về những chuyến xe khách.

Ký ức về xe khách những năm 80 với tôi như thể tấm ảnh phim đen trắng không được bảo quản nên ố loang lổ
Ký ức về xe khách những năm 80 với tôi như thể tấm ảnh phim đen trắng không được bảo quản nên ố loang lổ
Quảng cáo

Sáng thứ 2, bố chở tôi và mẹ ra bến xe trên chiếc xe đạp Viha. Sau đó mẹ tôi về. Còn tôi và bố bước lên chiếc xe khách rõ to. Bố tôi bảo đây là xe IFA. Xe cứ nổ máy lăn bánh là kêu ầm ầm. Nhiều xe không có cửa kính, cửa được làm từ những tấm tôn, kéo lên kéo xuống như cái khung tàu hỏa thời bấy giờ. Ở đuôi xe còn có cái cầu thang bằng sắt để mấy chú lơ xe trèo lên nóc chất đồ.

Cái thời xe ít mà người thì đông, mỗi lần đi xe y như rằng phải chen chúc nhau. Người ngồi chung với nào gà, nào sọt của mấy bà đi buôn. Trẻ con như tôi đi xe khách thường được ưu tiên ngồi trước, khổ nỗi không có ghế, phải ngồi ngay trên nắp máy sát cạnh bác tài, xe chạy được một lúc là y như rằng nóng hết cả đít. Được ngồi cạnh bác tài nên mỗi lần về quê là nhớ lắm. Tôi sẽ bày trò với lũ bạn bằng tuổi ở xóm. Ngồi lên cái bàn đá giả vờ làm tài xế. Một đám ngồi sau. Tôi quay vô lăng không khí, đánh lái vào đổ xăng, hay nảy người lên qua chỗ xóc y như những gì mình thấy lúc ngồi trên xe khách thật.

Hôm nào hai bố con ra bến muộn. Phải ngồi ghế cuối thì được chứng kiến đủ chuyện. Nhớ cái mùi nôn nồng nồng của mấy bác ở quê chả mấy dịp được đi xe. Nhớ mấy ông mặc áo na tô bạc màu, đầu đội mũ cối, tay lần sờ móc túi của những vị khách đang ngửa mặt, há mồm ngủ. Rồi lờ mờ nhớ cả những nhóm chơi đỏ đen. Một gã gầy gò, mắt láo liên đảo 3 quân bài. Người trên xe xúm lại tò mò. Người chơi. Người chỉ lắc đầu quan sát không nói gì.

Quảng cáo

Đến lúc cao trào nhất. Lúc chuẩn bị lật quân lên xem đỏ hay đen thì một chú ăn vận như lính xuất ngũ, đứng hẳn lên, đạp chân vào quân lơ khơ. Chú nói to: “Bà con trên xe ai có bao nhiêu đặt hết đi. Nay tôi dạy cho thằng bố láo này một bài học. Dưới chân tôi chắc chắn là quân đỏ”. Gã cầm cái mặt tái lại, lắp bắp xin tha. Thấy thế, khách trên xe nhao nhao người móc tiền, người tháo cả nhẫn ra đặt tiền. Lúc lật lên thì vẫn là quân đen. Và trong khi vị đang thất thần vì mất tiền, vị đang cãi nhau với vợ thì gã cầm cái, chú cựu quân nhân và một bà ba nãy cổ vũ mọi người đặt tiền… cùng xuống xe một thể. Pha hạ màn của bộ ba thật hoàn hảo.

Sau này lớn lên tôi mới biết, hoá ra trò đỏ đen là “đặc sản” của xe khách Hà Nội – Sơn Tây. Đến mãi chục năm sau mới dẹp được.

Bến xe Kim Mã nhiều năm trước
Bến xe Kim Mã nhiều năm trước

Đến bến xe Kim Mã, xe chưa lăn bánh vào bến đã cả chục chiếc xe lam ba bánh, xe xích lô vây quanh. Bố thường cho tôi ghé vào quán nước ở mặt đường Nguyễn Thái Học. Bố uống một chén trà hoa hồng, hút điếu thuốc Ba Đình. Còn tôi được ăn bánh khảo hoặc bánh tẻ lót dạ. Xong xuôi, hai bố con gọi xích lô về khu tập thể đường sắt ở 153 Phùng Hưng.

Xe khách những năm 80 trong trí nhớ của tôi là như thế. Có thể không rõ ràng, nhưng đó là ký ức, là kỷ niệm của riêng tôi.

Tin khác