Trong bối cảnh cuộc cách mạng xe điện đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Các gã khổng lồ như Toyota, Honda, Nissan và Mitsubishi, vốn từng thống trị thị trường ô tô thế giới, giờ đây đang phải chạy đua để bắt kịp các đối thủ đến từ Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc trong lĩnh vực xe điện. Trước tình hình này, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã nhận ra rằng sức mạnh nằm ở sự đoàn kết và hợp tác.
Đối trọng với liên minh do Toyota dẫn đầu là sự hợp tác giữa Honda, Nissan và Mitsubishi. Đây là một động thái đáng chú ý, khi ba công ty này vốn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong nhiều thập kỷ.
Liên minh này tập trung vào việc làm chủ phần mềm, phát triển nền tảng xe điện và các bộ phận quan trọng của xe điện. Họ nhận ra rằng trong thời đại xe điện, phần mềm là yếu tố then chốt quyết định sự thành công. Bằng cách hợp nhất nguồn lực và chuyên môn, họ hy vọng có thể bắt kịp và vượt qua các đối thủ như Tesla và BYD trong lĩnh vực này.
Honda mang đến liên minh kinh nghiệm về công nghệ tiên tiến và thiết kế sáng tạo. Nissan, với kinh nghiệm từ việc phát triển Leaf, đóng góp kiến thức quý báu về sản xuất xe điện quy mô lớn. Mitsubishi, mặc dù là thành viên nhỏ nhất trong liên minh, có vị thế mạnh ở thị trường Đông Nam Á, một khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn cho xe điện trong tương lai.
Mặc dù các công ty vẫn chưa thảo luận về liên minh vốn, nhưng việc thành lập một liên minh là một khả năng, Giám đốc điều hành của Honda - Toshihiro Mibe cho biết.
Trong khi Toyota đã liên kết với các đối thủ trong nước và trở thành nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất thế giới trong bốn năm liên tiếp thì Honda, Nissan và Mitsubishi đều là những công ty nhỏ hơn nhiều trên trường quốc tế. Việc họ hợp tác với nhau được coi là động thái của chính phủ Nhật Bản nhằm củng cố ngành công nghiệp ô tô của mình sau khi Trung Quốc nổi lên là nước xuất khẩu ô tô số 1 thế giới.
James Hong, nhà phân tích tại Macquarie Securities Korea Ltd., cho biết: “Sự hợp tác này được chính phủ điều phối nhằm xây dựng một ngành sản xuất ô tô cạnh tranh”. James Hong đồng thời nói thêm rằng hầu hết các nhà sản xuất ô tô tại Nhật Bản đều quá nhỏ để có thể đầu tư vào việc sản xuất xe EV riêng lẻ.
Trong khi Mỹ có 3 hãng sản xuất ô tô lớn là General Motors Co., Ford Motor Co. và Chrysler hay Đức cũng có bộ 3 là Volkswagen Group, BMW AG và Mercedes-Benz thì Nhật Bản cũng có nhiều hãng sản xuất ô tô nhưng đơn lẻ trên toàn cầu.
Honda, Nissan và Mitsubishi cộng lại đã bán được khoảng 4 triệu xe trên toàn cầu trong 6 tháng đầu năm, con số này kém xa so với 5,2 triệu xe mà Toyota bán được.
Dù rằng cả 3 đều được ca ngợi về tiềm năng khi hợp tác cùng nhau nhưng họ cũng sẽ phải vượt qua sự khác biệt cũng như các vấn đề cạnh tranh trước kia đối với những người đồng hương của mình.
Nissan, Honda và Mitsubishi đã tụt hậu trong việc chuyển mình đối với công nghệ xe hơi. Do đó, Chính phủ Nhật đã đặt mục tiêu cho liên minh mới cần chiếm được 30% thị phần về phần mềm công nghệ xe vào năm 2023.
Ngoài việc hợp tác trong các lĩnh vực phát triển công nghệ bao gồm lái xe tự động, kết nối và trí tuệ nhân tạo, các nhà sản xuất ô tô có thể chia sẻ kỹ thuật và nguồn cung cấp pin. Honda và Nissan cũng đang xem xét đổi logo cho cho các mẫu xe của mình, cả xe chạy bằng động cơ đốt trong và xe chạy bằng pin đều đang được xem xét. Cả hai hãng đều không cung cấp thông tin chi tiết về các mẫu xe cụ thể hoặc phác thảo concept cho các khu vực.
Honda đã công bố kế hoạch đầu tư 10 nghìn tỷ Yên vào quá trình điện khí hóa trong thập kỷ này, trong khi Nissan sẽ đóng góp kỹ thuật chiếc xe chạy điện đầu tiên của thời đại mới - Leaf (ra mắt năm 2010). Mitsubishi Motors lại nổi trội trong lĩnh vực xe hybrid và có vị thế vững chắc tại Đông Nam Á.
Trung Quốc cũng là yếu tố chính đằng sau quan hệ đối tác Honda-Nissan-Mitsubishi Motors. Tất cả các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản đều đang mất thị phần tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, chủ yếu là do sự phổ biến ngày càng tăng của xe điện nội địa.
Vào tháng 6, doanh số của Honda và Nissan lần lượt giảm khoảng 40% và 27% tại Trung Quốc sau khi một số nhà máy tại địa phương của họ đóng cửa. Tuần trước, Honda đã quyết định cắt giảm 19% sản lượng xe chạy bằng xăng tại đây. Trong khi Mitsubishi Motors cũng đã rút lui vào năm ngoái.
Tatsuo Yoshida, chuyên gia phân tích ô tô cấp cao tại Bloomberg Intelligence, cho biết: "Honda và Nissan đang gặp khó khăn ở Trung Quốc và họ sẽ phải sản xuất nhiều xe điện hơn để có thể duy trì ở đó". Do đó, việc hình thành liên minh này "có ý nghĩa lớn".
Liên minh giữa Honda, Nissan và Mitsubishi là một bước đi quan trọng trong việc chuẩn bị cho cuộc cách mạng xe điện trong ngành công nghiệp ô tô Nhật. Bằng việc tập trung vào phần mềm, nền tảng xe điện và cùng nhau chia sẻ nguồn lực, ba công ty này hy vọng sẽ kiếm được lợi ích từ sự hợp tác và cạnh tranh hiệu quả với những đối thủ lớn trong ngành.
Việc phát triển xe điện không chỉ là xu hướng của tương lai mà còn là cơ hội để các công ty ô tô Nhật Bản gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Sự hỗ trợ từ chính phủ và sự kết hợp thế mạnh của các công ty trong liên minh sẽ giúp họ vươn lên thành công trong thời đại công nghệ mới.