Cho đến nay Tesla là nhà sản xuất ô tô duy nhất công bố kế hoạch tăng giá, nhưng nhiều nhà phân tích dự đoán các hãng xe điện Trung Quốc sẽ chuyển một phần chi phí tăng thêm cho người tiêu dùng.
Dưới đây là cách các nhà sản xuất ô tô đối phó với mức thuế quan mới:
BYD
BYD là nhà sản xuất ô tô Trung Quốc bị áp mức tăng thuế quan bổ sung thấp nhất 17,4% bên cạnh mức thuế hiện tại là 10%.
Theo một số nguồn tin, hãng vẫn chưa quyết định có nên tăng giá xe điện bán tại châu Âu hay không. Trước khi mức thuế được áp dụng, BYD sẽ không đưa ra quyết định nào.
CHERY AUTO
Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Chery cho biết sẽ tiếp tục kế hoạch sản xuất xe điện tại Tây Ban Nha. Hãng sẽ thành lập liên doanh với EV Motors của Tây Ban Nha. Điều này sẽ giúp Chery bù đắp được thuế quan nhập khẩu vào EU.
Charlie Zhang, phó chủ tịch Chery Auto, cho biết nhà máy ở Barcelona dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm nay.
Zhang cho biết thêm rằng nhà máy này không đủ lớn cho các kế hoạch trung và dài hạn của hãng tại châu Âu và công ty đang tìm kiếm địa điểm thứ hai.
POLESTAR
Polestar là hãng xe Thụy Điển hiện thuộc sở hữu của Geely (Trung Quốc). Mới đây, Polestar vừa công bố khoản lỗ trong hoạt động quý đầu tiên nên họ sẽ cần phải thực hiện "các biện pháp giảm thiểu" để bù đắp thuế quan và áp lực lên giá ô tô.
Để thực hiện điều này, hãng có thể sẽ phải cắt giảm chi phí trên toàn bộ chuỗi cung ứng, nhưng không phải là cắt giảm thêm việc làm.
SAIC
Thương hiệu con MG thuộc SAIC cũng chưa quyết định có tăng giá xe điện bán tại EU hay không.
Được biết, MG phải đối mặt với mức thuế bổ sung lên tới 38,1%, bên cạnh mức thuế hiện tại là 10%.
TESLA INC
Nhà sản xuất ô tô Mỹ có kế hoạch tăng giá mẫu xe Model 3 sản xuất tại Trung Quốc để bù đắp chi phí thuế quan khi nhập khẩu vào châu Âu.