Trang – người gắn với những cánh rừng

TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG: CHUYÊN TRANG CÔNG NGHIỆP Ô TÔ - XE MÁY CARTIMES

Trang – người gắn với những cánh rừng

Tôi gặp Trang trong một buổi chiều đẹp ở Hà Nội. Ngồi giữa thủ đô để nghe cô gái có làn da rám nắng say sưa kể về những cánh rừng, về việc bảo tồn các loài động vật đang nằm trong sách đỏ Việt Nam.

Sống như Trang

Tôi mượn cái tựa trên của nhà báo Phan Đăng để nói về Trang – tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thu Trang. Cô gái sinh năm 90 được cả thế giới biết đến với tư cách là một nhà bảo tồn động vật hoang dã, nhà hoạt động môi trường và là một nhà văn.

Trang Nguyễn

Cô gái người Việt Nam dáng người nhỏ nhắn, mái tóc dài cùng nụ cười luôn nở trên môi từng được giới bảo tồn nể phục với công trình Giải quyết nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã ở châu Phi và châu Á.

Ở Việt Nam, người ta nhắc đến Trang khi đọc 2 cuốn sách Trở Về Nơi Hoang Dã (Back to the Wilderness) và Chang Hoang Dã – Gấu (Chang is Wild about Bears). Năm 2018, ở tuổi 28, Trang nhận giải thưởng Future for Nature, cũng như Eco-Warrior từ Elle Style Awards. Cô cũng được Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 30 gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi và đề cử Women of the Future - khu vực Đông Nam Á vào năm 2018 vì những đóng góp của cô trong việc bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu.

Chưa hết, năm 2019, Trang còn được BBC đưa vào danh sách những phụ nữ có ảnh hưởng nhất toàn cầu năm 2019 và 1 trong 30 gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi (30 Under 30) của Forbes châu Á năm 2020.

Vào năm 2013, Trang được hóa thân thành nhân vật game online giúp nâng cao nhận thức về bảo tồn tê giác
Vào năm 2013, Trang được hóa thân thành nhân vật game online giúp nâng cao nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã

Từ nhiều năm nay, trong tư cách của một nhà bảo tồn động vật hoang dã, cuộc sống của Trang gắn bó với những cánh rừng, từ châu Á đến châu Phi. Với Trang, đi vào rừng sợ nhất không phải là gặp rắn rết hay thú dữ mà là gặp người. Sợ, vì đấy phần lớn là những thợ săn, những người buôn bán động vật trái phép, nên khi biết “cái cần cầu cơm” của mình có nguy cơ đổ bể thì họ sẵn sàng tiêu diệt. Mà mới nhất là tháng 11 năm ngoái, ngay tại một cánh rừng Việt Nam, Trang cùng đoàn bảo tồn của mình đã bị những thợ săn bí mật nổ súng đe doạ khi vào rừng khảo sát và thống kê số lượng bẫy thú.

Trang Nguyễn
Cuộc sống của Trang gắn bó với những cánh rừng, từ châu Á đến châu Phi

Ít ai biết, trước đó, khi hoạt động bảo tồn tại nước ngoài, Trang còn hoá thân vào một số “vai diễn”ngầm theo sự phân công của lực lượng an ninh một số nước châu Phi, để truy lùng những kẻ buôn bán động vật trái phép. Ở trong “vai diễn” đặc biệt này, Trang đã đối diện với những pha hiểm ngụy… rợn tóc gáy. Ví dụ rõ nhất là cái lần ngồi trên xe ô tô cùng một nhóm tội phạm, đóng vai “một người trong cuộc”, ai dè cái máy ghi hình bí mật của Trang hết pin. Thế là nó loé lên vài tia sáng. May quá Trang tóc dài, nên lấy tóc che vội thiết bị. Chỉ một tích tắc thế thôi, nếu không giải quyết nhanh sẽ bị “xử” tức thời.

Tất cả những thành tựu và “lý lịch trích ngang” của Trang mà tôi vừa liệt kê ở trên không phải do Trang kể ra. Cô gái này không thích nói nhiều về mình. “Nếu chia sẻ câu chuyện về những người bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam anh không cần nói về em đâu, hãy nói về Trung tâm của em - Trung tâm Hành động vì Động vật hoang dã Việt Nam (WildAct), hãy nói về những đồng nghiệp của em, bạn bè em và cả các anh, chị trong lực lượng Kiểm lâm nữa”.

Chuyện của “những con người thầm lặng”

Hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã từ lâu, nhưng Trang chia sẻ, mình chưa từng có ý định thành lập một trung tâm hay tổ chức gì đó cho đến khi cô gái nhỏ bé này phải đối mặt với căn bệnh ung thư. “Lúc đó em đang học Thạc sỹ bên Đại học Cambridge, khi biết mình gặp bệnh “thập tử, nhất sinh”, em nghĩ việc gì chưa làm được thì cần phải làm ngay, và thế là Trung tâm Hành động vì Động vật hoang dã Việt Nam (WildAct) ra đời.

Trang Nguyễn
Về Việt Nam, Trang thành lập Trung tâm Hành động vì Động vật hoang dã Việt Nam (WildAct) và hoạt động tích cực trong lĩnh vực bảo tồn

Mục đích thành lập WildAct của Trang là để tập hợp những bạn trẻ yêu thiên nhiên và động vật như mình. Việc thành lập cũng khiến hoạt động bảo tồn của Trang có phương hướng rõ ràng. “Thời điểm WildAct ra đời cũng là thời điểm ở Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều các Hội, các tổ chức liên quan đến bảo tồn. Nhưng tụi em sẽ làm những việc người ta chưa làm hoặc không muốn đụng tới như tuyển dụng, đào tạo, tập huấn kỹ năng cho nhân sự ngành bảo tồn, bình đẳng giới cho phụ nữ hay tập trung vào những loài có nguy cơ tuyệt chủng” – Trang chia sẻ.

Theo Trang, ngành bảo tồn tại Việt Nam khoảng 20 năm trở lại đây đã khá là phát triển. Nhưng việc định hướng cho các bạn trẻ theo học ngành này hoặc tuyển nhân sự là vô cùng khó khăn. “Đặc thù ngành bảo tồn là các nhân sự phải đi rừng nhiều. Có những chuyến đi kéo dài hàng tháng trời. Mà nhân sự đi thực địa thì phải được đào tạo một cách bài bản, giả dụ, họ phải nắm được các kỹ năng sinh tồn, kỹ năng giải cứu, sơ cứu động vật, kỹ năng khảo sát, thống kê, nhận biết loài”… Khó là vậy, vất vả là vậy nên có những vị trí mà Trung tâm WildAct của Trang tuyển dụng đến 2 năm mà không tìm được người. Nói thế, nhưng cũng có những tín hiệu và thành quả rất đáng ghi nhận của WildAct khi Trung tâm này là cầu nối đưa 20 thanh, thiếu niên sang châu Phi thực tập và nghiên cứu, sau đó các bạn quay trở lại Việt Nam và công tác trong ngành bảo tồn.

Quảng cáo
Trang Nguyễn
Trang và WildAct là "cầu nối" giúp các bạn trẻ đến với ngành bảo tồn

Hàng trăm khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng bảo tồn động vật hoang dã dành cho lực lượng Kiểm lâm, các bạn trẻ, người dân sống ở các vườn Quốc gia cũng đã được WildAct tổ chức nhằm nâng cao ý thức về hành động bảo tồn động vật hoang dã.

Trang Nguyễn Trang Nguyễn

Không chỉ đào tạo kỹ năng, WildAct còn có những chương trình nhằm khích lệ những người có đóng góp trong ngành bảo tồn. “Hằng năm WildAct tổ chức vinh danh các Vườn Quốc gia thực hiện tốt công tác bảo tồn, vinh danh các Kiểm lâm xuất sắc. Hoặc đơn giản tụi em tìm hiểu xem người dân ở đâu đang thực hiện việc bảo vệ rừng, bảo tồn động vật để hỗ trợ họ. Giả dụ như trường hợp bà con ở Tuyên Hóa, Quảng Bình. Họ tự thành lập đội tuần tra rừng, tháo dỡ bẫy. Tụi em sẽ liên hệ để hỗ trợ họ những khoản kinh phí nhất định để động viên và khích lệ bà con”.

Trang Nguyễn
Giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn động vật hoang dã là một trong những lĩnh vực hoạt động chính của WildAct

Điều đáng nói là cũng giống như con người Trang, nhưng gì mà WildAct làm được đều không “đao to, búa lớn” tự tung hô mình. Trung tâm của Trang làm một cách tự nhiên như thể việc của họ phải làm, và tự chia sẻ niềm vui với nhau khi có ai đó ghi nhận công sức của mình, dù ghi nhận đó chỉ là cuộc gọi điện của anh Kiểm lâm, hay bức thư cảm ơn của một bạn học viên trong khóa đào tạo từ WildAct.

“Đường vào rừng” còn lắm “chông gai”

Trang – cô gái bé nhỏ gắn với những cánh rừng, nhưng xem ra “ đường vào rừng” để bảo vệ những loài động vật nằm trong sách đỏ của cả Trang và WildAct còn lắm “chông gai”.

Cái khó đầu tiên của một Trung tâm bảo vệ động vật hoang dã mang tính phi lợi nhuận như WildAct chính là nguồn thu để duy trì hoạt động. Không có mấy doanh nghiệp trong nước đứng ra tài trợ kinh phí dù WildAct đã từng liên hệ. Nguồn thu chủ yếu giờ dựa vào các Tổ chức phi Chính phủ, các Hội bảo vệ động vật trên thế giới. Hơn nữa, vì không thuộc quản lý của các cơ quan Nhà nước nên Trung tâm của Trang còn vướng nhiều trong khâu liên hệ công tác, liên hệ đưa người vào thực địa.

Trang Nguyễn
WildAct là Tổ chức phi lợi nhuận nên quá trình hoạt động của các cán bộ thực địa còn gặp nhiều khó khăn

Cái khó nữa là lực lượng Kiểm lâm ở Việt Nam còn quá mỏng, trình độ về bảo tồn động vật, sơ cứu động vật hoang dã còn yếu. “Em đã đi nhiều vườn Quốc gia ở Việt Nam. Có những Vườn Quốc gia chỉ có 4 anh Kiểm lâm phụ trách tới 20 ngàn héc ta rừng. Không như mọi người nghĩ, họ cũng rất tâm huyết với những cánh rừng, họ cũng có ý thức bảo tồn những loài động vật quý hiếm, nhưng do ít người, nên khó mà kiểm soát được dẫn đến nạn săn bắn, đặt bẫy ở các cánh rừng ở Việt Nam còn diễn ra phổ biến. Thêm đó, khi đi tuần rừng gặp các động vật bị dính bẫy, các anh lại chưa đủ kỹ năng để giải cứu, sơ cứu. Hoặc như bắt được người dân đặt bẫy, Kiểm lâm của chúng ta không có đủ quyền, đôi khi phải chờ lực lượng công an đến mới dám giữ người hay tịch thu tang vật” – Trang kể.

Trang Nguyễn
Những chiếc bẫy thu được khi đi tuần rừng

Công việc bảo tồn động vật hoang dã của các Trung tâm như WildAct còn gặp khó bởi ý thức của người dân nữa. Bảo vệ kiểu gì khi nhiều người vẫn lui tới những quán nhậu với món chính là thịt thú rừng. Bảo vệ kiểu gì khi nhiều người vẫn tìm mọi cách săn bắt, vận chuyển và mua bán động vật quý hiếm?

“Rõ ràng là công cuộc bảo tồn động vật ở đâu cũng thế, ngoài chính sách của Nhà nước, phần lớn là do ý thức của người dân. Như hiện tại WildAct đang có dự án bảo vệ chim di cư ở Ninh Bình. Tụi em kết hợp cùng lực lượng Kiểm lâm đi khảo sát và tháo dỡ bẫy chim. Nhưng tháo dỡ bẫy trong vườn Quốc gia thuộc quyền quản lý của Nhà nước là một chuyện, mình không có chế tài nào để bắt người dân tháo dỡ bẫy đặt ở ruộng, vườn hay trong nhà của họ được. Đấy là cái khó chung chứ không chỉ riêng gì tụi em”. – Trang tâm sự.

Trang Nguyễn
Cần lắm các Trung tâm bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam như WildAct. Trong hình là mô hình chú voi được các bạn trẻ tạo ra từ những... chiếc bẫy

Tôi tạm biệt Trang mà trong đầu vẫn văng vẳng câu nói phát ra từ cô gái bé nhỏ nhưng luôn tràn đầy năng lượng: "Thiên nhiên là ngôi nhà của chúng ta, không có lẽ gì không yêu và bảo vệ nó". Đơn giản thế mà có lẽ nhiều người không hiểu hoặc cố tình không hiểu. Thế nên, “công cuộc” bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã… ở Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, và, cần lắm, cần lắm, cần thêm thật nhiều những người như… Trang!

Tin khác