Phiên bản đầu tiên của Toyota Innova ra mắt 09/2004 tại Indonesia với khung gầm rời và dẫn động cầu sau. Đến năm 2006, Innova được giới thiệu tại Việt Nam đã tạo nên làn sóng ưa chuộng của người tiêu dùng nhờ sự bền bỉ, rộng rãi và đa dụng của mình.
Với sự thành công đó, thế hệ đầu tiên của Innova cũng là một trong những mẫu xe chậm thay đổi thiết kế nhất trong các dòng xe của Toyota. Cho đến năm 2015, sau nhiều lần nâng cấp Toyota mới ra mắt thế hệ thứ hai của mẫu xe này.
Với thế hệ thứ hai, Toyota vẫn kỳ vọng vào sự thành công như thế hệ thứ nhất dù thị trường đã có sự cạnh tranh khốc liệt của các “đàn em” trong phân khúc MPV cỡ nhỏ như Mitsubishi Xpander, Honda BR-V, Suzuki Ertiga… Năm 2019, Xpander bất ngờ ghi danh Top 10 xe ăn khách nhất toàn thị trường ở vị trí thứ 2, trong khi Toyota Innova chỉ xếp thứ 9.
Có lẽ, dù đã ra mắt thế hệ thứ hai nhưng Innova với mức giá bán cao, chậm cập nhật nâng cấp và các trang bị an toàn so với đối thủ nên đã không theo kịp các mẫu xe mới tại thị trường Việt Nam như Mitsubishi Xpander, Mitsubishi Xpander Cross, Suzuki Ertiga, Suzuki XL7. Ngoài ra, trong tầm giá từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng hiện nay, khách Việt có thể quan tâm đến SUV cỡ nhỏ đến lớn như: Kia Seltos, Toyota Corolla Cross hoặc bản thấp Ford Everest, Toyota Fortuner, Kia Sorento, Hyundai Santa Fe… Điều đó càng khiến cho Toyota Innova tụt hạng trong cuộc đua doanh số, điều mà chỉ cách đây 5 năm chưa một ai nghĩ tới.
Nhận thấy sự tụt hậu ngày càng xa trước các đối thủ, lần này, Toyota đã rút ngắn thời gian thay đổi và cho ra mắt một thế hệ Innova hoàn toàn mới – thế hệ thứ 3.
Ngoại thất khỏe khoắn khiến cho người tiêu dùng liên tưởng đến mẫu xe SUV full-size đang rất thành công tại thị trường Mỹ là Toyota Highlander, đi kèm với nội thất sang trọng và được làm mới hoàn toàn cùng với cửa sổ trời toàn cảnh.
Chiếc xe cũng được thay đổi về kích thước so với thế hệ cũ là với chiều dài x rộng x cao lần lượt là 4.755 x 1.850 x 1.795 mm. Có nghĩa chiều dài và rộng của thế hệ mới đều tăng 20 mm so với thế hệ cũ. Trục cơ sở cũng tăng 100 mm, đạt 2.850 mm so với 2.750 mm của thế hệ cũ. Khoảng sáng gầm 185 mm, tức tăng 7 mm. Tuy nhiên, sự thay đổi này là không nhiều, bởi các thế hệ trước đã thể hiện rõ sự tối ưu về không gian dành cho người ngồi và chuyên chở hàng hóa khi cần thiết.
Việc chuyển từ khung gầm rời và dẫn động cầu sau trước đây sang khung gầm liền giúp cho chiếc xe Toyota Innova thế hệ thứ 3 này trở nên góc cạnh và mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, thay đổi này còn tăng khả năng hấp thụ xung lực tuyệt vời giúp chiếc xe an toàn hơn rất nhiều cho hành khách ngồi bên trong khi có tai nạn xảy ra. Trọng lượng xe nhẹ hơn cải thiện hiệu suất hoạt động và giúp cho tiêu hao nhiên liệu ít hơn. Đi liền với đó sàn xe được thiết kế nằm liền với chassis nên trọng tâm xe thấp hơn tăng sự ổn định khi vào cua, tránh chòng chành và lắc hơn so với thế hệ cũ.
Tiếp theo là hệ thống truyền động hybrid cũng lần đầu tiên xuất hiện trên mẫu xe này. Toyota Innova 2023 phiên bản hybrid sẽ là sự kết hợp của động cơ Dynamic Force Engine 2.0L mới công suất 152 mã lực, mô-men xoắn 187 Nm với động cơ điện 111 mã lực để tạo ra tổng công suất 184 mã lực. Còn phiên bản xăng sẽ được trang bị động cơ Dynamic Force Engine 2.0L cho công suất 172 mã lực, mô-men xoắn 205 Nm. Cả hai phiên bản đều kết hợp cùng hộp số tự động vô cấp CVT và không còn tùy chọn hộp số sàn MT.
Việc thế hệ thứ 3 Toyota Innova ra mắt với sự lột xác toàn diện từ thiết kế ngoại thất, nội thất đến khung gầm và sự vận hành đã hứa hẹn cho sự trở lại ngôi vương vào một ngày gần nhất cũng như khiến cho các đối thủ phải dè chừng.
Chúng ta hãy cùng chờ xem.