Tại đây, Airlios mang tới nguyên mẫu thử nghiệm của thiết bị bay Pegasus, một trong 4 sản phẩm đang được phát triển của startup Việt. Được biết, nguyên mẫu này đã bay thử nghiệm hơn 100 giờ và di chuyển với quãng đường khoảng 1.000 km. Nguyên mẫu trưng bày chỉ có các chi tiết cơ bản như khoang cabin, ghế ngồi, khung vỏ cơ bản, mô tơ cánh quạt.
Pegasus chỉ là một trong 4 sản phẩm phương tiện bay cá nhân mà Airlios dự kiến sẽ chào bán bao gồm Air One, Pegasus, Minotaur và Custom với giá lần lượt từ 2 tỷ đồng, 2,2 tỷ đồng, 2,46 tỷ đồng, riêng bản Custom dành cho những khách hàng muốn cá nhân hóa nên giá sẽ từ 2,46 tỷ đồng cho phiên bản tiêu chuẩn.
Với phiên bản tiêu chuẩn, Airlios có kích thước sải cánh 2 m, dài x rộng là 1,9 x 1,15 m, trọng lượng tĩnh là 220kg và trọng lượng cất cánh tối đa là 320kg, tải trọng đạt 100 kg. Thời gian bay với tải trọng 100 kg chỉ đạt 20 phút kèm tốc độ bay tối đa 100 km/h, trần bay của Airlios là dưới 120 m.
Tuy nhiên, hành trình chỉ 33 km đang là điểm yếu của Airlios và nhiều khả năng sẽ được cải thiện theo thời gian. Phương tiện bay của Airlios được cấu thành từ 2 vật liệu chính là hợp kim nhôm và sợi carbon, ngoài ra cánh quạt làm bằng gỗ phủ carbon. Pin của Airlios vẫn sử dụng là lithium+ đi kèm nguồn điện dự phòng với thiết lập pin kép.
Airlios vận hành hành với 2 các là tay cầm và màn hình cảm ứng đi kèm định vị GPS và Beidou, điều khiển theo 2 cách là người lái hoặc định vị tự động. Theo Airlios, lịch trình bay cụ thể sẽ được mã hóa, đăng ký, thực hiện và giám sát để đảm bảo an toàn. Ghế ngồi được làm composite sợi carbon, aramid với đệm đi kèm đai an toàn. Dự kiến, phiên bản thương mại của Airlios sẽ bán ra thị trường vào năm 2027 dưới hình thức bán lẻ hoặc cung cấp dịch vụ vận tải.