Xe điện VinFast: “Hãy đợi đấy!”

TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG: CHUYÊN TRANG CÔNG NGHIỆP Ô TÔ - XE MÁY CARTIMES

Xe điện VinFast: “Hãy đợi đấy!”

Người Nhật mới chỉ vừa tuyên bố về chiến lược xe điện thì người Việt đã đóng xong công để mang sang tận Mỹ những bất ngờ của riêng họ.

Nói cho vui một chút, nhưng có thể thấy VinFast đã tính toán cẩn trọng thế nào cho mục tiêu xe điện của hãng: từ sản phẩm thử nghiệm năng lực và thị trường, từ kế hoạch huy động vốn quốc tế đến sự chủ động về công nghệ cũng như hạ tầng cung ứng; và mới đây là sự hé mở về một dải sản phẩm ở đầy đủ các phân khúc và không có sự kén chọn về khách hàng.

A,B,C,D,E - VinFast không đánh rơi nhịp nào luôn

Nhất quán – tôi đánh giá về “lối đi” xe điện của VinFast bằng hai từ như vậy khi hãng công bố lộ trình tới năm 2023 của mình. Ở đó tuyệt nhiên không “sự lựa chọn đa dạng” lập lờ giữa “giảm thiểu” và “không phát thải” CO2 kiểu Toyota hay túc tắc chuyển đổi trong 10-15 năm tiếp theo như các hãng xe lớn khác.

VinFast ra mắt 5 xe điện
Sản phẩm xe điện VinFast trải khắp các phân khúc

VinFast đi theo và cạnh tranh với Tesla – đây là con đường tôi đã nhận định trong loạt chia sẻ về giấc mơ Mỹ của hãng xe Việt. Vì vậy, họ cần những bước đi nhanh thực sự của một ông lớn – giống như cách DW REV đã nói tại CES 2022: “Chính sách của VinFast giống với vị thế của người dẫn đầu thị trường khi cho phép thời hạn bảo hành lên tới 10 năm”.

Trở lại với những mẫu xe mà hãng đã chính thức ra mắt, chúng ta thấy sự tổng hòa của các giá trị Đức từ nền tảng đến công nghệ. Khung gầm, động cơ, hộp số, cảm biến… đều chia sẻ với những gì các hãng xe châu Âu đang có. Điều này giúp họ đủ tự tin để lên đơn đặt hàng với đội ngũ thiết kế, sản xuất và với cả chính thị trường quốc tế bằng khả năng cung ứng cho đa dạng nhu cầu.

VinFast VF9
VinFast VF9

Mặc dù đi theo xu thế chung về thiết kế SUV xong VinFast không quên dự phòng về một mẫu sedan cỡ lớn cũng như một mẫu compact SUV với vai trò kiểu như e34-P nhằm chờ đợi quân bài từ phía các đối thủ. Lọt sàng xuống nia, nếu khách hàng cảm thấy ngột ngạt giữa những giới hạn lựa chọn đến từ Tesla, Mercedes-Benz hay BMW, Volkswagen, Hyundai, Kia thì đổi qua VinFast – khả năng được tiêu tiền và đặt móng bỗng thoáng đầu hơn rất nhiều.

Bỏ xe xăng – VinFast "khóa chặt" Customer Journey

Quảng cáo

Việc bà Thủy Lê công bố VinFast sẽ chuyển hoàn toàn sang sản xuất xe điện đúng ra chỉ làm bất ngờ với những người ít xem thời sự, bởi mọi động thái suốt thời gian qua của VinFast đã cho thấy họ đã hoàn tất “thử việc” trong lĩnh vực sản xuất ô tô. Giờ đây, VinFast sẽ chỉ làm xe điện – nghĩa là làm cái sản phẩm mà họ muốn bằng cách tự tạo ra nó từ trên bản vẽ cho đến showroom chứ không còn mang tiếng “đi mượn” như trước.

VinFast quyết định dừng sản xuất xe xăng
VinFast quyết định dừng sản xuất xe xăng

Bằng pha “quay xe” cực gắt này, VinFast sẽ giữ chân khách hàng một cách hiệu quả trong hành trình mua hàng: từ Sale tới After Sales sẽ đều là chính hãng trong vòng vài năm sắp tới. Ai làm trong nghành ô tô cũng hiểu, bán cái xe chỉ là bước khởi đầu của doanh thu còn bảo trì, bảo dưỡng và phụ tùng mới là những nguồn thu nuôi sống thương hiệu. Việc VinFast “too fast too first” như vậy là một bước đi thể hiện khôn ngoan trong kinh nghiệm của một người trẻ.

Vậy còn Fadil với Lux sẽ đi về đâu? Liệu có hẩm hiu như Chevrolet? Câu trả lời là không hẳn vì toan tính của VinFast thật sự là “toan tính”. Chúng ta đều biết giá trị cốt lõi của Lux là BMW, của Fadil là Chevrolet và cho tới bây giờ, những chiếc BMW 5 Series F10 và X5 F15 vẫn chạy đầy đường, đồ dễ kiếm như Toyota và rẻ như xe Tàu. Chẳng vậy mà giá phụ tùng chính hãng của VinFast dễ chịu giật mình nếu so với “ngôi sao ba cánh” hay “quạt gió hai màu”, thậm chí cạnh tranh sòng phẳng với chợ giời về độ phá giá. Quyết định cuối cùng một lần nữa vẫn thuộc về người trả tiền – bạn thích cái gì mà thôi.

Thêm áp lực cho thị trường xe điện Việt

Rất tình cờ tôi thấy EV portfolio của VinFast sáng nay đang nhắm trúng với những gì Kia-Hyundai đang có ở Việt Nam từ phân khúc sản phẩm tới giá bán. Kiểu như VF9 1,4 tỷ tương đương Carnival; VF8 là Sorento trong tầm giá 1 tỷ; còn VF6 sẽ chung sân với Kona ở nhóm dưới. Sở dĩ tôi có liên tưởng như vậy bởi tới lúc này, chỉ có Thaco đang tỏ ra khá nhanh nhạy với xe điện khi họ cũng đã mang Kia EV6 về để chạy thử nghiệm tại Chu Lai. Và theo cảm nhận cá nhân, EV6 sẽ đối đầu với chính VF7 trong cuộc chiến của những chiếc xe thiết kế kiểu Hàn Quốc khi mẫu xe của VinFast mang trên mình sự tổng hòa của một chiếc Kona cỡ lớn pha trộn với EV6. Có lẽ chính vì vậy những thông tin liên quan tới VF7 vẫn được giữ kín và sẽ làm cho Thaco khá đau đầu trong việc định giá cũng như cấu hình sản phẩm cho EV6 trước khi chính thức mở bán vào khoảng giữa năm nay.

VinFast VF7
VinFast VF7

Ở phần còn lại với các nhà nhập khẩu xe châu Âu, sự giới hạn về sản phẩm sẽ là rào cản khiến họ trở thành bạn chơi khó chịu với “gã chủ nhà” trong vòng 5 năm tới. Hãy nhìn Porsche và những dự định còn chật vật của Mercedes-Benz Việt Nam chúng ta có thể cảm nhận được xuống tiền chơi xe điện châu Âu lúc này chưa thực sự phải lúc.

Vậy ai là người đủ sức giải bài toán thách thức từ VinFast? Trung Quốc và đám đông hùng mạnh của họ. Bằng cách nào – tôi sẽ chia sẻ trong các bài viết sau vì ngay chính người Mỹ cũng đang phải chật vật ngăn cản làn sóng xe điện từ quốc gia đông dân nhất toàn cầu này.

Tóm lại, điều tôi thấy e ngại lúc này với xe điện của VinFast chính là xe giao tới khách hàng vẫn chưa đăng ký, đăng kiểm và phải chạy biển tạm ngoài phố - nom cũng không hay lắm, nhất là với nhóm khách hàng được chọn mặt gửi vàng nhận xe đợt đầu.

Tin khác