Ford Ranger không còn xa lạ tại thị trường Việt Nam khi đây là dòng xe bán tải cỡ trung bán chạy nhất trong nhiều năm. Mới đây, mẫu bán tải của Mỹ vừa được trình làng phiên bản mới tại thị trường Việt Nam với 6 phiên bản tùy chọn được thay đổi toàn diện so với thế hệ trước. Cùng với đó, Ford Ranger cũng được chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp tại nhà máy Ford ở Hải Dương để đảm bảo nguồn cung luôn ổn định.
Hơn cả một chiếc xe bán tải, Ford Ranger gần như là một thứ văn hóa chơi xe tại thị trường Việt Nam, nơi mà chủ xe có thể mang bán tải đi uống cafe trong phố rồi lại chở cả gia đình đi cắm trại ở chỗ nào đó với đủ thứ lều trại, như một ngôi nhà di động. Ford Ranger phiên bản mới được người tiêu dùng trong nước mong chờ và thực tế đây cũng là mẫu xe chiến lược của hãng xe Mỹ tại Việt Nam.
Trong đó, Ford Ranger phiên bản Wildtrak chính là mẫu xe nhận được khá nhiều sự quan tâm với ưu thế về công nghệ, thiết kế và khả năng vận hành, hãy cùng Cartimes tìm hiểu phiên bản này.
Ngoại thất Ford Ranger Wildtrak 2022
Được phát triển dựa trên những ưu điểm từ người đàn anh Ford F-150, Ranger thế hệ mới sở hữu ngoại hình vuông vắn hơn, những chi tiết bên ngoài đều khiến mẫu xe này trông nam tính và cơ bắp hơn hẳn so với bản cũ. Cụ thể, phần đầu xe nổi bật là cụm đèn định vị ban ngày dạng chữ C đi kèm 1 một thanh ngang to bản với logo Ford ở giữa.
Trên phiên bản Wildtrak, Ford trang bị đèn LED ma trận thông minh với khả năng xác định phương tiện ở phía trước và tắt những bóng đèn cụ thể để không làm phiền. Các phiên bản còn lại chỉ được được trang bị đèn LED, phiên bản XLS và XL chỉ được trang bị đèn Halogen.
Phần đầu xe còn được làm gọn lại trong khi khung gầm xe được mở rộng thêm 50mm chiều dài cơ sở và trục bánh xe so với phiên bản trước giúp chiếc xe có cảm giác lớn hơn, đi kèm theo đó là góc tới và góc thoát của xe cũng được cải thiện.
Phần thân xe cũng không có nhiều điểm nhấn khi vẫn là hốc bánh xe to bản nhưng thùng xe rộng hơn 50mm, có thêm không gian chở đồ phía sau, kèm theo đó là các móc trong thùng để chằng hay buộc đồ.
Phải nói rằng Ford khá chiều lòng khách hàng khi ở phiên bản XLT có thêm những chốt để độ thêm nắp thùng, lều trại hay chở đồ, ngoài những móc trong thùng còn có thêm 2 ổ cắm điện ở gần cửa thùng xe. Trên phiên bản Wildtrak thì có thêm giá nóc và giá ở thùng xe, nhưng ở XLT và XLS thì không có giá nóc mà chỉ có chốt ở thùng xe.
Ở phía đuôi xe, đã qua rồi cái thời đèn hậu chỉ là đèn Halogen tẻ nhạt, đuôi xe Ford Ranger Wildtrak trang bị đèn định vị phía sau dạng LED khá đẹp.
Phần cửa thùng xe phía sau có trợ lực nên khi mở hay đóng đều rất nhẹ, thậm chí chỉ với 1 ngón tay.
Ở 2 bên hông của đuôi xe có trang bị thêm bậc lên xuống, đây là một công năng sử dụng khá tiện ích, giúp việc lên xuống thùng xe dễ dàng hơn nhiều mà không cần thiết phải mở cửa thùng sau.
Điểm cộng nữa trên Ford Ranger mới là nền tảng khung gầm ladder-frame được nâng cấp mà hãng xe Mỹ cho biết là sẽ tăng tính ổn định trên đường trường lẫn off-road, tối ưu khoang động cơ cũng như hệ thống treo.
Nội thất Ford Ranger 2022
Ford Ranger chính là mẫu xe thay đổi trải nghiệm người dùng khá nhiều khi trước đây nhiều người nghĩ bán tải thì khoang nội thất chỉ cần cơ bản, đủ dùng để di chuyển thì nay sẽ phải suy nghĩ lại.
Một trang bị duy nhất trong phân khúc là phanh tay điện tử đã giúp tổng thể khoang cabin Ford Ranger gọn gàng hơn, tăng tính thẩm mĩ cũng như công nghệ trên xe.
Hay như chế độ gài cầu kết hợp với núm xoay chuyển chế độ lái cũng được làm khá chỉn chu, giúp khu vực trung tâm có một diện mạo khác hoàn toàn so với bản trước.
Ford đã loại bỏ khá nhiều chi tiết vật lý trên Ranger mới mà thay vào đó là 1 màn hình hiển thị kĩ thuật số sau vô lăng 10,1 inch và màn hình thông tin giải trí 12 inch dạng dọc với kết nối Sync 4 trên bản Wildtrak. Màn hình giải trí có độ tương phản khá tốt, điều khiển phần lớn các chức năng trong xe từ điều hòa, camera 360, khóa vi sai…
Thực tế, nếu mới sở hữu xe, người lái sẽ phải mất thời gian làm quen với giao diện sử dụng, vẫn sẽ có độ trễ nhất định khi sử dụng ở một số ứng dụng. Ngoài ra, phần điều chỉnh điều hòa bằng nút vật lý lại khá lạc lõng với tổng thể ở phần trung tâm, khi có thể điều khiển điều hòa bằng màn hình giải trí được, và núm xoay điều hòa thì có độ trễ và không cho cảm giác cao cấp.
Ghế ngồi trên xe bọc da đi kèm chỉ thêu màu cam đặc trưng của dòng Wildtrak, vô lăng vẫn có đủ các nút chức năng với các chức năng kiểm soát hành trình thích ứng, cảnh báo lệch làn & hỗ trợ giữ làn đường, hỗ trợ đỗ xe song song… là những trang bị vốn có sẵn trên các phiên bản trước.
Khoang chứa đồ trên cũng được cải thiện khá nhiều ở táp lô, bệ tì tay hay, hốc trung tâm có sạc điện thoại không dây.
Vận hành Ford Ranger 2022
Tổng thể, với 6 chế độ lái từ bình thường, tiết kiệm, kéo và tải nặng, trơn trượt, bùn đất và cát sỏi, Ford muốn người lái trải nghiệm mọi loại địa hình có thể trừ tuyết. Các chế độ này điều chỉnh mọi thứ tùy thuộc vào các thông số, bao gồm truyền động, phản ứng ga, kiểm soát lực kéo và ổn định, phanh, v.v. để giúp người lái có trải nghiệm tốt nhất khi lái xe.
Với trải nghiệm cá nhân được trải nghiệm mẫu xe này ở điều kiện đường đất và đường có đá sỏi, có dốc, việc góc tới và góc thoát được cải thiện cũng giúp người lái yên tâm hơn.
Khi xuống dốc, hỗ trợ đổ đèo giúp việc điều khiển có kiểm soát, chưa kể hệ thống camera 360 quanh xe, với camera trước kèm vạch dẫn đường giúp việc đi qua đường hẹp trở nên khá đơn giản. Thử thách với đường trơn thực sự sẽ giảm khi chuyển qua chế độ trơn trượt khi mô men xoắn được phân bổ tối ưu để tăng độ bám ở mỗi bánh.
Ian Foston, Kĩ sư trưởng phát triển hệ thống khung gầm của Ford Ranger, cho biết Ranger có thể vượt qua đường địa hình mà không cần sự trợ giúp của các chế độ lái được cài đặt sẵn và thực tế cho thấy đúng như vậy. Nếu không muốn chuyển chế độ lái, người lái chỉ cần gài cầu sang chế độ 4H hoặc 4L kết hợp với khóa vi sai cầu sau nếu cần.
Đấy là trên đường khó, còn với đường trường, động cơ diesel 2.0L Turbo kép mới được tung hoành thực sự với công suất 210 mã lực và mô men xoắn 500 Nm. Sẽ vẫn có độ trễ nhưng điều đáng chú ý là hộp số tự động 10 cấp chuyển số cực mượt, khiến người lái không có cảm giác “sượng” nào khi vận hành.
Vô lăng trợ lực điện của Ranger vẫn mang tới cảm giác “sướng” với những khúc cua khi trợ lực biết “nịnh” người lái với cú siết nhưng mang tới cảm giác an toàn, và lại rất nhẹ nhàng khi di chuyển chậm.
Kèm theo đó là các tính năng hỗ trợ người lái sẽ là một điểm cộng giúp cho Ranger tiếp tục nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng.
Đánh giá chung
Ford đã cải tiến mẫu bán tải Ranger và tinh chỉnh mẫu xe này lên một tiêu chuẩn cao hơn so với các đối thủ cùng phân khúc từ sức mạnh, thiết kế cũng như công nghệ. Không phải ngẫu nhiên, mẫu xe này đứng đầu thị trường xe bán tải tại Việt Nam với hơn 1 nửa thị phần trong gần 10 năm qua, doanh số đạt hơn 105.000 xe tại.
Mẫu xe này hứa hẹn sẽ tiếp tục thống trị ở phân khúc bán tải tầm trung tại thị trường Việt Nam và khẳng định vị thế trong lòng người tiêu dùng.