Trong lúc lùi xe, một nữ tài xế đã va vào đầu một xe khác đứng sau, nhưng chị lại tưởng xe mình bị đâm và đổ lỗi cho anh sau lái ẩu. Anh kia cố giải thích mãi cũng không được, cho tới khi xem lại camera hành trình thì chị ấy mới... công nhận và bỏ đi.
Phụ nữ bao giờ cũng tưởng mình là đúng và đàn ông giải thích kiểu gì cũng... sai. Kiểu gì cũng sai, các anh nhớ nhé.
Nhưng có phải chỉ phụ nữ mới luôn tưởng mình là đúng? Hay hình như tất cả những ai lái xe đều có phẩm chất ngạo nghễ này?
Tôi đã từng chứng kiến nhiều vụ va chạm trên đường, nhẹ thôi, giữa xe hơi với xe hơi, xe hơi với xe máy, xe máy với xe máy, hoặc các loại xe với người đi bộ. Có tình huống thấy ai sai ai đúng mười mươi, có tình huống thì chưa rõ, nhưng đa phần thấy các chủ xe lập tức phanh kít giữa đường, lao ra sửng cồ, nhẹ thì quát, chửi, nặng thì choảng nhau… Câu phổ biến nhất và được xem là nhẹ nhất lao ra khỏi miệng họ là: Mù à? Đi kiểu gì thế? Muốn chết à?, rồi vội vã ngó nghiêng, soi xem xe của mình có bị làm sao không. Hầu hết không quan tâm tới đám đông đang lưu thông trên đường bị nghẽn lại vì vụ dừng xe giữa đường của họ. Và cũng không quan tâm xem “đối phương” có làm sao sau va chạm hay không. Ai cũng cho rằng mình đúng!
Hệ quả của ảo giác này đôi khi cả hai cùng thua mà kẻ thắng lại là người khác. Báo chí và cộng đồng đã không ít lần chia sẻ tình huống trong lúc hai bên say sưa cãi cọ quên cả khoá cửa xe thì nhiều đồ quý và tiền bạc để trong xe bị kẻ gian bên ngoài lấy mất. Không ít kẻ xấu còn lợi dụng nhảy vào làm “quan toà”, lấy tiền của nhiều người yếu bóng vía.
Dịp 8/3/2021, một chú kia đi xe máy chuyển làn rồi dừng đột ngột trên cầu Bình Phước, dẫn tới va chạm không mong muốn với một chiếc xe sang lưu thông cùng chiều. Người đi đường ná thở vì cú đâm bể đèn xe sang này trị giá bằng mấy chiếc xe 2 bánh cà tàng của chú. May sao, chủ nhân chiếc xe hơi không những không bắt đền chú, còn chủ động biếu chú ít tiền sửa xe máy sau khi chắc chắn chú không sao sau va chạm. Chưa hết, thấy xe chú quá cũ, người có xe hơi bị chú đâm phải còn quyết định tặng chú một chiếc xe máy khác, mới hơn, để đi lại an toàn hơn! Một hành động đẹp. Và đẹp hơn là chia sẻ của chủ nhân chiếc xe hơi, rằng: “Sau va chạm thay vì trách nhau, chửi nhau thì chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ xử lý vụ việc. Quan trọng là cách hành xử của hai bên để có kết cục có hậu”…
Câu chuyện trên cầu Bình Phước khởi đầu thì rõ đen song kết cục lại là bài thơ đẹp. Nhưng nói thật, thơ thì lâu lâu chúng ta mới đọc, chứ giao tiếp với nhau hàng ngày đâu có thể… đọc thơ, nhất là trong các tình huống liên quan tới an toàn giao thông, tới tính mạng của người khác, thì chúng ta phải buộc phải nói chuyện với nhau trước hết bằng luật.
Luật thì không biết có happy-ending không, chỉ bảo: Theo qui trình, sau khi tiếp nhận thông tin tai nạn giao thông, CSGT sẽ xuống hiện trường, thực hiện đo vẽ hiện trường, tạm giữ phương tiện tai nạn liên quan để điều tra, lấy lời khai những người liên quan trong vụ tai nạn (người điều khiển, người làm chứng), khám nghiệm phương tiện. Theo qui định, trong 7 ngày sau tai nạn sẽ có kết quả trả lời cho các bên liên quan, và đề xuất hướng xử lý. Nếu 7 ngày vẫn chưa xong, sẽ gia hạn để tiếp tục xác minh. Nếu tình huống phức tạp, gây chết người thì còn rắc rối hơn”. Nghe đã thấy rối loạn tiền đình rồi, đúng không?
Trong tình huống này, để có thể rút ngắn quá trình xác minh, cần phải có bằng chứng. Và bằng chứng xác thực nhất, ít gây tranh cãi nhất, là các hình ảnh quay lại tình huống trước và khi xảy ra va chạm. “Cứu tinh” cho chúng ta trong trường hợp này là một thiết bị bé nhỏ, nhưng gánh trách nhiệm lớn lao: Camera hành trình (tiếng Anh là Dash Cam). Nó là một thiết bị có chức năng quay và ghi hình trên hành trình di chuyển của xe. Ngoài hình ảnh, nó còn ghi lại chỉ số tốc độ của xe, góc lái cũng như các cung đường qua dữ liệu GPS thu về.
Nhưng hôm nay, lại 8/3 nữa, bất luận có cam giời các anh cũng nhớ nhận mình sai, nhớ nhé, cho một ngày êm tai!