Vĩnh Phúc “chạy đua” trở thành trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn nhất nước

TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG: CHUYÊN TRANG CÔNG NGHIỆP Ô TÔ - XE MÁY CARTIMES

Vĩnh Phúc “chạy đua” trở thành trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn nhất nước

Năm 2030, Vĩnh Phúc xác định mục tiêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 158/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhà máy ô tô
Quy hoạch đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước

Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc.

Quảng cáo

Quyết định cũng nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gồm: Tiếp tục phát huy thế mạnh của tỉnh trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao (trong đó chú trọng phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo ô tô xe máy, linh kiện điện tử…), đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước.

Những năm qua, Vĩnh Phúc được biết đến là một trong những trung tâm công nghiệp lớn về cơ khí ô tô ở phía Bắc. Trong đó, các công ty ô tô luôn có đóng góp lớn nhất vào tổng số thu ngân sách và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Kể từ năm 1995 khi Toyota đầu tư vào Vĩnh Phúc cho đến nay, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản này luôn giữ vị trí dẫn đầu trên thị trường ô tô Việt Nam với sản lượng nhà máy đạt trên 70.000 xe/năm. Nhờ hoạt động của Xưởng dập năm 2013 và Trung tâm xuất khẩu phụ tùng ô tô năm 2007, cũng như đẩy mạnh hoạt động để nâng cao nội địa hóa tại nhà máy, Toyota đã nâng tỷ lệ nội địa hóa xe từ 19% đến 37%, tùy theo từng mẫu xe.

Nhà máy Toyota
Toyota đầu từ vào Vĩnh Phúc từ năm 1995

Hiện nay, trong các nhà cung cấp lĩnh vực chế tạo đã có 6 nhà cung cấp Việt Nam ở lớp 1 tham gia được vào chuỗi cung ứng cho Toyota, 3 công ty cung cấp linh kiện cơ khí và 3 công ty cung cấp linh kiện nhựa. Trong số này, nhiều công ty đặt ngay tại Vĩnh Phúc, số còn lại ở một tỉnh lân cận.

Quảng cáo

Còn đối với Honda, hiện nay, các linh kiện phục vụ lắp ráp ô tô của Honda hầu hết đều phải nhập khẩu (chiếm trên 90%), chỉ có một số ít các linh kiện kim loại đơn giản như chi tiết cho ghế xe; linh kiện nhựa, nội thất… là được mua tại Việt Nam (chiếm từ 1-5%).

Tuy vậy, trong 3 năm qua, số lượng nhà cung cấp tham gia chuỗi cung ứng của ô tô Honda đã tăng từ 16 năm 2018 lên 26 nhà cung cấp năm 2021, nhiều nhất là các công ty cung ứng linh kiện kim loại (tăng 5 doanh nghiệp). Linh kiện nhựa, cao su, từ chỗ không có đơn vị cung cấp nào, đến 2021 đã có 3 nhà cung cấp nội địa tham gia được vào chuỗi, còn lại là linh kiện điện tử (tăng thêm 2 doanh nghiệp).

Ở Vĩnh Phúc hiện chỉ có 1 công ty trong nước là Thiện Mỹ đang cung cấp phần xi mạ các sản phẩm nhựa ô tô cho nhà cung cấp lớp 1 của Honda là công ty Nhựa Hà Nội. Ngoài ra, ghế xe của Honda do 1 công ty FDI Đài Loan cung cấp.

Đối với Daewoo Bus Việt Nam (Vidabus), doanh nghiệp này mới bắt đầu sản xuất tại Vĩnh Phúc vào năm 2007. Do đó, sản lượng xe dự kiến năm 2021 chỉ khoảng 600 xe, song đã cao hơn đáng kể so với mức 250 xe năm 2020. Với mức tăng trưởng dự kiến, Vidabus đặt mục tiêu nâng cao năng lực lên 1.600 xe vào năm 2024.

Quảng cáo

Mặc dù là “người đến sau” nhưng tỷ lệ nội địa hóa của Vidabus hiện đạt khoảng 30%, chủ yếu ngay tại nhà máy của Vidabus. Với sản lượng nhỏ, các doanh nghiệp cung ứng chủ yếu tập trung ở một số sản phẩm như kính xe, ắc quy, tấm trải sản, tấm ốp trần. Còn lại phần lớn các linh kiện chế tạo đều phải nhập khẩu.

Vĩnh Phúc
Vĩnh Phúc hiện có 16 doanh nghiệp nội địa đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các ngành điện tử, ô tô, xe máy

Theo Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Vĩnh Phúc hiện có 16 doanh nghiệp nội địa đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các ngành điện tử, ô tô, xe máy… của các công ty FDI tại Việt Nam với vai trò là nhà cung ứng lớp 1.

Bên cạnh Vĩnh Phúc, một số tỉnh, thành khác cũng có nguồn thu ngân sách khá lớn từ các công ty ô tô như Ninh Bình (Tập đoàn Thành Công), Quảng Nam (THACO), Hải Phòng (VinFast)…

Tin khác