Có nên cấm xe chạy xăng, dầu vào năm 2035?

TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG: CHUYÊN TRANG CÔNG NGHIỆP Ô TÔ - XE MÁY CARTIMES

Có nên cấm xe chạy xăng, dầu vào năm 2035?

Liên minh châu Âu ủng hộ việc giảm 100% khí thải CO2 trên xe mới từ năm 2035 trở đi, nhưng vấn đề này còn gây nhiều tranh cãi.

Thỏa thuận này đồng nghĩa với việc 100% xe chạy động cơ đốt trong cả xăng lẫn dầu sẽ không còn "đất sống" tại châu Âu từ giữa thập kỷ tới, bao gồm cả các dòng xe hybrid và hybrid sạc điện.

Ngoài ra, Nghị viện châu Âu cũng nhất trí rằng từ năm 2030, lượng khí thải CO2 từ xe du lịch mới phải giảm 55%, từ xe thương mại giảm 50%. Vào năm 2026, mốc thời gian trên sẽ được cân nhắc lại khi họ tính toán lại tốc độ phát triển công nghệ vào thời gian đó để điều chỉnh mốc thời gian lên sớm/muộn tùy điều kiện.

Xe điện châu Âu
100% xe chạy động cơ đốt trong cả xăng lẫn dầu sẽ không còn đất sống tại châu Âu từ giữa thập kỷ tới?
Quảng cáo

Một số chuyên gia tại châu Âu có quan điểm bảo vệ xe chạy xăng dầu cho rằng, đến năm 2035, vẫn nên cho phép khoảng 10% ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Còn theo Bộ trưởng Bộ chuyển đổi sinh thái Italia, tương lai của những chiếc xe hơi “không thể chỉ là chạy điện hoàn toàn".

Đại diện Hiệp hội ô tô ADAC của Đức, và cũng là Hiệp hội ô tô lớn nhất châu Âu cho rằng, mục tiêu bảo vệ khí hậu đầy tham vọng trong giao thông vận tải không thể đạt được chỉ bằng cách sử dụng xe điện.

Chia sẻ quan điểm trên ông Jens Gieseke, Đại biểu nghị viện châu Âu tới từ Đức bày tỏ: “Việc bắt buộc loại bỏ động cơ đốt trong có thể khiến 500.000 việc làm tại Đức gặp rủi ro. Theo tôi, các quốc gia thành viên có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp ô tô cần phải có thêm không gian và thời gian để điều chỉnh và tìm ra giải pháp”.

Rõ ràng, để đạt đồng thuận về lệnh cấm xe động cơ đốt trong là điều không hề dễ dàng. Bởi theo thống kê chung, công nghiệp ô tô đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế châu Âu, chiếm 7% tổng sản phẩm quốc nội và hỗ trợ gần 15 triệu việc làm trong khu vực.

Quảng cáo

Các chuyên gia cho rằng, nếu lệnh cấm được thông qua, thời hạn sau năm 2035 sẽ đặc biệt khó khăn với các nhà sản xuất ô tô của Đức, vốn đang tập trung chủ yếu vào những mẫu xe mạnh mẽ, đắt tiền chạy động cơ đốt trong, trong khi lại tụt hậu so với nhiều đối thủ nước ngoài ở lĩnh vực xe điện.

Xe điện châu Âu
Nhiều ý kiến cho rằng không nên cấm hoàn toàn xe chạy xăng, dầu

Trong một diễn biến liên quan, mới đây nhất, Chính phủ Anh thông báo quy định các nhà sản xuất ô tô phải đảm bảo đến năm 2035 tất cả các xe sản xuất mới đều là xe không phát thải.

Quảng cáo

Như vậy, Chính phủ Anh giữ nguyên khung thời gian đã quy định đối với các nhà sản xuất, dù tuần trước đã quyết định hoãn 5 năm đối với kế hoạch triển khai lệnh cấm bán mới ô tô chạy xăng và dầu diesel.

Bộ trưởng Giao thông Mark Harper khẳng định việc giữ nguyên thời hạn 2035 đối với kế hoạch sản xuất xe không phát thải giúp các nhà sản xuất chắc chắn hơn về kế hoạch trong khi người lái xe cũng có lợi ích khi có nhiều lựa chọn hơn, đồng thời giúp phát triển nền kinh tế.

Theo kế hoạch về sản xuất phương tiện không phát thải (ZEV), các nhà sản xuất ô tô cần hoàn thành mục tiêu xe điện chiếm 22% doanh số vào năm 2024, tiếp đó tăng dần lên 80% vào năm 2030 và cuối cùng đạt 100% vào năm 2035.

Tin khác